photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

NHỮNG TẤM LÒNG THƠM THẢO NHÂN DỊP TRUNG THU

NHỮNG TẤM LÒNG THƠM THẢO NHÂN DỊP TRUNG THU


Rộn ràng tiếng trống lân trong đêm rằm phá cổ trung thu...Và cũng rộn ràng chút tình người chân chất trong tâm hồn trẻ thơ. Cái rộn ràng làm ta xao động!.
Trung thu làm theo lời Bác Hồ dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, những ngày đầu tháng tám âm lịch, chi đội Trần Thị Lý, lớp 9/5, trường THCS Lý Tự Trọng đã dấy lên phong trào làm từ thiện, và nghĩa cử đẹp đầu tiên là viếng thăm “Trung tâm nuôi dạy trẻ em đường phố” tại thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Phong trào nhanh chóng được cả tập thể lớp đồng tình ủng hộ.
Vào 17 giờ chiều ngày 15/8 âm lịch vừa qua đã có một cuộc gặp gỡ, giao lưu rất chân thành, cảm động giữa học sinh lớp 9/5 với các em tại trung tâm. Sau lời cảm ơn lãnh đạo trung tâm, ban chỉ huy chi đội lớp 9/5 đã nhanh chóng giao lưu với các trẻ em ở trung tâm bằng những câu hát mừng “Tết trung thu rước đèn đi chơi...”, những trò chơi thật thú vị và tặng cho các bạn nơi đây những phần quà tuy nhỏ mà ấm áp tình người. Tiếng trống rộn ràng vang lên, đội lân lớp 9/5 đã múa với tất cả sự say mê với mong ước đem lại cho các bạn nơi đây niềm vui của tuổi thơ.
(Đội lân lớp 9/5 biểu diễn tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ em đường phố)

 (Một không khí thật ấm áp và cảm động)

Chia tay ra về, các em đã chụp hình lưu niệm cùng nhau, quấn quýt, luyến lưu và hẹn gặp lại...
Nhìn các em đến với nhau hồn nhiên, chân thành, chia tay bịn rịn lòng tôi rưng rưng một nỗi niềm. Thương sao những trẻ em bất hạnh! Mừng sao những tấm lòng thơm thảo của trẻ thơ!.
Cô Nguyễn Thị Túy Đào - Tổ Ngữ Văn

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

VCD HƯỚNG DẪN MÚA HÁT TẬP THỂ NĂM HỌC 2010-2011





Đĩa Tập huấn - Liên Đội

VCD HƯỚNG DẪN MÚA HÁT TẬP THỂ NĂM HỌC 2010-2011








Đĩa Tập huấn - Liên Đội

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

HƯỚNG VỀ 1000 NĂM THĂNG LONG - HÀ NỘI

HƯỚNG VỀ ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI


Chiếu Dời đô những điều cần biết

Chiếu dời đô (Đền Đô, Bắc Ninh)
Chuyện dời một kinh đô rõ ràng là chuyện lớn vô cùng trọng đại liên quan đến sự tồn vong của vương triều. Thế mà Lý Công Uẩn với Chiếu Dời đô đã làm nhiều hơn thế, Thăng Long không chỉ là Kinh Ðô nhà Lý, mà là Thủ đô của nước Việt Nam qua nhiều triều đại tiếp theo và cho đến hôm nay (chỉ có thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ và Triều Nguyễn, do hoàn cảnh lịch sử, Kinh Ðô phải chuyển vô Huế 157 năm). Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi, là một trong ít thủ đô trường tồn lâu dài nhất của thế giới.
"Chiếu Dời đô" của Lý Công Uẩn, là chiếu lệnh, một lời hịch kêu gọi tự tay vua viết, ban ra để nói rõ cho quần thần, trăm họ biết về một quyết sách lớn của triều đình là dời đô, và kêu gọi sự đồng lòng. Ðây là một văn kiện mang ý nghĩa vô cùng to lớn, là tác phẩm bất hủ xét trên nhiều phương diện văn chương, lịch sử, chính trị, địa lý, triết học..., cho đến bây giờ Thủ Ðô của nước Việt thế kỷ XXI vẫn là Thăng Long ngàn năm trước của Lý Công Uẩn

(Trích dịch "Chiếu Dời đô" - Ảnh: govap.hochiminhcity.gov.vn)

Một năm trước lúc lên làm vua ông là quan nhà Tiền Lê, chức Tả thân vệ Ðiện tiền Chỉ huy sứ, lúc đó ông đã ấp ủ, nung nấu chuyện Dời đô ra thành Ðại La rồi. Nên mới lên làm vua là ông ban Chiếu Dời đô .

Bằng chứng là sự phát triển hưng thịnh của vương triều Lý sau đó. Chiếu Dời đô là một bản văn 217 chữ Hán (dịch ra Quốc ngữ chưa đầy 300 chữ) mà nó làm nên một sự thay đổi sức mạnh của cả một triều đại và nhiều triều đại sau. Vương triều Lý do Lý Công Uẩn khai sáng tồn tại 215 năm, 8 đời vua, là một triều đại lớn trong lịch sử đất nước với những ông vua anh hùng, có công khai sáng văn hiến dân tộc, như Lý Thánh Tông (1054-1072), Lý Nhân Tông (1072-1128); với những nhà quân sự, chính trị kiệt xuất: Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành… Với một đường lối đối ngoại vừa khôn khéo, vừa cứng cỏi, vương triều Lý đã được nhà Tống phương Bắc nể trọng, lãnh thổ đất nước được bảo vệ chắc chắn, toàn vẹn.

Thực tế thì biên giới đông bắc nước ta trải qua ngàn năm, từ triều Lý đến nay không nhiều thay đổi - một đóng góp lớn của vương triều văn trị võ công bậc nhất lịch sử dân tộc. Và trong lịch sử văn minh Việt Nam, có thể coi vương triều Lý đã trở thành vương triều mở đầu kỷ nguyên văn minh Ðại Việt. Và Kinh đô Thăng Long quả là cái nôi lập nghiệp đế cho muôn đời.

Với Chiếu Dời đô, Lý Công Uẩn đã tạo dựng cho nước Việt Nam một Thủ Ðô bền vững, trường tồn. Kinh đô Thăng Long chia làm 2 khu vực: Khu vua ở và thiết triều gọi là Thăng Long Thành và khu dân cư nơi làm ăn buôn bán của mọi tầng lớp sĩ nông công thương, dân quê gọi là phố Kẻ Chợ, vì mỗi phố sản xuất và bán một thứ sản vật nổi tiếng. Khu dân cư này cũng có thành bao quanh, gọi là Thăng Long ngoại thành. Cả hai khu vực này được tổ chức thành một đơn vị hành chánh, gọi là phủ Ứng Thiên. Ðến năm 1014 đổi là Nam Kinh. Sang đời Trần đổi là Trung Kinh, có 61 phường. Ðến đời Lê, mới tổ chức lại thành 36 phường. Ðến đời Hồ gọi là Ðông Ðô. Ðến thời nhà Hậu Lê, sau chiến thắng quân Minh, đổi thành Ðông Kinh. Ðến năm 1831, thời Minh Mạng, cái tên Hà Nội mới ra đời, gồm 4 phủ: Hòa Ðức (tức Thăng Long cũ), Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân. Thăng Long - Hà Nội - Thế đất "rồng cuốn hổ ngồi" ấy dẫu có nhiều giai đoạn bị ngoại bang chiếm đóng, vẫn luôn đỏ chói trong trái tim người Việt. Trải 500 năm, từ thuở theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở cõi phương Nam, trong trái tim những người chiến binh luôn luôn đau đáu nỗi nhớ Thăng Long - Hà Nội: Từ thuở mang gươm đi mở cõi / Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long …

Tổ : sử-địa .

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

ĐÔI LỜI CHIA TAY

ĐÔI LỜI CHIA TAY


Hằng năm cứ vào đầu năm học, công tác nhân sự thường thiếu ổn định gây nên những thay đổi, khó khăn cho tổ trong việc phân công chuyên môn. Năm nay tổ càng có nhiều thay đổi hơn, bởi sau việc nghỉ hưu của cô Lựu và cô Nhung trong năm qua, giờ đến cô Xuân Chy bộ môn Hóa, một cô giáo nhiệt tình trong công việc, chuyên môn vững vàng, có uy tín với HS,được đồng nghiệp tin tưởng, mến phục.

Nhìn lại quá trình công tác của Cô, sinh năm 1957 - 34 năm trong nghề dạy học, chủ yếu là tại trường TH cơ sở Lý Tự Trọng , là thành viên tích cực của Hội đồng bộ môn thành phố.

Trên 20 năm được công nhận là giáo viên giỏi – CSTĐ các cấp, nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Tổ trưởng Công đoàn, UV BCH Công đoàn, tổ phó chuyên môn, với nhiệm vụ nào cô cũng thể hiện hết khả năng của mình.

Bề dày thời gian là thước đo của tình đồng nghiệp và thật tiếc khi phải chia tay Cô, một đồng nghiệp, một người chị, cũng là một người bạn hết sức thân tình. Giờ đây, không còn cùng nhau bận rộn những ngày hội giảng thể nghiệm chuyên đề, bồi dưỡng HS giỏi, dạy thực hành, làm đồ dùng dạy học, kể cả những ngày trại, vui chơi, tham quan dã ngoại, .... Chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía hết tấm lòng của một thế hệ lấy sức cống hiến là chính .

Nhưng thời gian không chờ đợi ai điều gì, Cô đã hoàn thành trên cả nhiệm vụ được giao, về nghỉ hưu trước vài năm, tạo điều kiện cho những GV trẻ, thế hệ con cái chúng ta đang thiếu việc làm bước vào nghề, đó cũng là tâm đắc, nguyện vọng của Cô.

Chia tay ánh mắt, nụ cười, dáng đi của Cô, chúc Cô sức khỏe để chăm chút cho hạnh phúc gia đình, nhưng nhất định chúng ta sẽ còn gặp lại, hy vọng Cô cũng tiếp tục có những đóng góp trên những lãnh vực khác cho sự nghiệp giáo dục, và luôn sẽ là một thành viên không thể thiếu trong những việc vui buồn của tổ Hóa Sinh thân yêu.

 Cùng tổ dạy HS thực hành

Nhiệt tình trong hoạt động trại


“Nhà thư pháp”


Tình cảm bên chị em



Là giáo viên Hóa nhưng sưu tầm rất nhiều ảnh về hoa!

Mấy chị em tổ Hóa sinh nè ! (còn thiếu!)

Cô Trần Thị Thu Thủy (Tổ Hóa Sinh)

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

VUI TRUNG THU, NHỚ BÁC HỒ

TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG

TỔ CHỨC VUI TRUNG THU CHO HỌC SINH


Thực hiện công văn số 2964 ngày 1/9/2010 của UBND Tỉnh Quảng Nam về việc tổ chức tết Trung thu năm 2010 và kế hoạch của Liên đội trong năm học 2010-2011, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh đón Tết Trung thu sôi nổi, có ý nghĩa nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Liên đội đã tổ chức các hoạt động vào ngày 20/9/2010 với chủ đề: “Vui tết Trung thu, nhớ Bác Hồ”. Sôi nổi nhất là hội thi làm lồng đèn và xem múa Lân.

Hội thi làm lồng đèn đã thu hút được 29 chi đội tham gia với 29 lồng đèn dự thi. Tất cả các lồng đèn thể hiện được sự khéo tay, sáng tạo của các lớp. Các lớp 6/3, 7/6, 8/1, 9/3 đã dành giải nhất. Các em học sinh của trường rất hứng thú khi được xem đội Lân của phường An Xuân múa và đặc biệt có sự tham gia của đội Lân học sinh lớp 9/5.

Hội thi lồng đèn đã tạo điều kiện để các em thể hiện được năng khiếu, khả năng thẩm mỹ và sáng tạo của mình trước tập thể. Buổi sinh hoạt đã để lại trong lòng tất cả các em học sinh nhiều niềm vui và những kỹ niệm đẹp về mùa Trung thu năm 2010.

Ban Giám hiệu nhà trường trao giải cho những Chi đội đạt giải trong hội thi làm lồng đèn

Một tác phẩm dự thi

Các học sinh sôi nổi khi xem đội lân phường An Xuân biểu diễn

Đội lân lớp 9/5 cũng tham gia biểu diễn

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

Thứ Bảy, ngày 11 tháng 09 năm 2010


TUẦN THỨ : 3


Đây là chương trình phát thanh 5 phút “ Câu chuyện cuối tuần” do cán bộ Thư viện thực hiện

Kính thưa quý thầy cô giáo! Các em học sinh thân mến!

Trong những ngày đầu năm học, chúng ta hân hoan trong nhiều niềm vui mới: niềm vui được cắp sách đến trường, được gặp lại bạn bè, thầy cô và mái trường thân yêu. Và những niềm vui đó được nhân lên khi chúng ta rất hãnh diện và tự hào về thành tích của đất nước ta trong lĩnh vực khoa học, giáo dục. Đó là GS Ngô Bảo Châu đã đoạt giải Fields của thế giới và em Hồ Thị Hiếu Hiền đoạt giải nhất thế giới viết thư quốc tế UPU lần thứ 39.

Có lẻ cái tên Ngô Bảo Châu và Hồ Thị Hiếu Hiền chúng ta cũng đã được biết qua các thông tin đại chúng trong thời gian qua. Và hôm nay, trong chương trình “Câu chuyện cuối tuần” đầu tiên, Thư viện muốn nhắc đến em Hồ Thị Hiếu Hiền - một học sinh lớp 6/9 trường THCS Tây Sơn – Q. Hải Châu Đà Nẵng qua bức thư đã đoạt giải nhất thế giới viết thư quốc tế UPU lần thứ 39 để các em cùng lắng nghe và học tập.

Các em học sinh thân mến! Bức thư của Hiếu Hiền đã làm lay động lòng người, và đã vượt qua hàng trăm nước trên thế giới để giành giải nhất. Bức thư gửi đến đạo diễn Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc) với mong muốn sẽ có một bộ phim về cách phòng tránh AIDS, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và thờ ơ của mọi người trước căn bệnh này. Mời các em cùng lắng nghe :

“ Đà Nẵng, ngày 20 tháng 11 năm 2009

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu kính mến!

Khi gửi lá thư này đi, cháu cứ mong từng ngày nó sớm đến được tay ông. Rồi cháu lại lo rằng khi nhìn thấy địa chỉ lạ hoắc: “Người gửi: Hồ Thị Hiếu Hiền - Việt Nam” không biết ông có giở thư ra đọc hay không? Ông ơi! Cháu mong ông bớt chút thì giờ vàng ngọc để lắng nghe tâm sự của cháu, biết đâu ông sẽ thấy trong đó một điều gì lớn lao hơn tình cảm thông thường của người hâm mộ dành cho thần tượng.

Thưa ông, cháu mới có ý định viết thư cho ông sau khi trường cháu phát động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 về đề tài phòng chống căn bệnh AIDS. Để cho bài viết của mình có cơ sở thực tế, cháu đã đi tìm hiểu một số đối tượng xem mọi người hiểu biết và phòng chống AIDS như thế nào.

Đầu tiên, cháu hỏi bà, bà cháu bảo: “Bà sống từng này tuổi đầu rồi mà chưa biết mặt mũi con “Ết” nó thế nào. Bà nghe nói nó ở trong người những kẻ sống buông thả chẳng ra gì. Cháu đừng đến gần họ kẻo con “Ết” nó dính vào người.” - Ôi, bà cháu chẳng hiểu gì về AIDS cả, ông nhỉ?

Khi nghe cháu hỏi, cả bố mẹ cháu đều cho rằng: “AIDS là căn bệnh suy giảm hệ miễn dịch ở cơ thể người do vi rút HIV gây ra. Bệnh này rất nguy hiểm vì hiện chưa có thuốc chữa khỏi. Con phải tuyệt đối tránh xa các tệ nạn như nghiện hút, tình dục bừa bãi thì mới bảo vệ được mình.” Mẹ cháu còn dặn đi dặn lại: “Nếu ở lớp có bạn nào bị nhiễm HIV thì con phải nói ngay để bố mẹ xin chuyển trường, chuyển lớp cho con.” - Bố mẹ cháu là công chức mà cũng còn kì thị với người có H đấy.

Cháu lại hỏi cả em cháu, em quả quyết: “Lớp em thì chưa có bạn nào bị AIDS chứ nếu có, em sẽ đeo khẩu trang hoặc nghỉ học ở nhà luôn.” - Thật buồn cười, em lại tưởng AIDS cũng giống H1N1.

Đi đường, cháu có hỏi cô công nhân đang quét rác, cô liền chỉ tay vào mấy cái vỏ ống tiêm nằm lăn lóc bên vệ đường: ”Kia kìa, vi-rút HIV chứa trong những ống tiêm đó cháu!” - Hiểu biết của cô công nhân cũng chưa thật đầy đủ phải không ông?

Đến lúc vào nhà hàng ăn uống, cháu lại gợi chuyện ông chủ. Ông ta nhanh nhảu: “ Si-đa à? Cứ nhìn người nào ốm yếu, đi đứng dặt dẹo, trên người nổi nhiều mụn nhọt là đích thị rồi! Cháu đừng lo, ông không bao giờ để cho họ vào ăn uống làm lây bệnh cho khách.” - Trời, thật tội nghiệp cho những ai không có H nhưng lại có vẻ bề ngoài giống như ông ấy tả. Ông ấy đâu biết rằng HIV không hề lây qua đường ăn uống hay giao tiếp thông thường và hiện nay chúng ta đang sống chung với AIDS.

Khi đến lớp, cháu cũng trao đổi với các bạn nhưng nhiều bạn lại tỏ ra rất thờ ơ, cho rằng việc phòng chống HIV/AIDS là việc của các cơ quan y tế, lớp mình có ai bị AIDS đâu mà lo! - Thái độ của các bạn cháu cứ bàng quan như thế chả trách mỗi ngày có tới một ngàn trẻ em dưới mười lăm tuổi bị nhiễm HIV.

Cháu còn điều tra thêm một số trường hợp nữa nhưng hầu hết ai cũng rất lơ là. Cháu thực sự lo ngại trước thực trạng này và muốn viết một bức thư kêu gọi mọi người hãy nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để phòng chống được căn bệnh này. Thế nhưng đã mấy hôm nay, cháu ngồi nghĩ mãi mà không biết viết thế nào, đành gác bút ra xem ti vi. Lúc này trên kênh truyền hình đang chiếu bộ phim “Hoàng Kim Giáp” do ông đạo diễn. Bộ phim hay quá! Thảo nào, cháu thấy người ta ca ngợi ông rất nhiều trên mạng. Bằng một loạt phim nổi tiếng thế giới như: Cao lương đỏ, Phải sống, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp…, ông đã chinh phục được trái tim của tất cả mọi người.

Đột nhiên, một ý nghĩ vụt lóe lên trong cháu: ước gì cháu cũng có tài làm phim như ông nhỉ? Cháu sẽ xây dựng ngay những tác phẩm điện ảnh thật hay về đề tài HIV/AIDS để thức tỉnh loài người. Ông ạ, bộ phim đầu tay của cháu sẽ là câu chuyện đầy cảm động về một mối tình lãng mạn và bi ai: chàng và nàng yêu nhau tha thiết song cuối cùng vẫn không lấy được nhau chỉ vì một trong hai người có H. Tiếp đến là bộ phim có tên “Phải chết” cũng sẽ nổi tiếng không kém gì bộ phim “Phải sống” của ông. Qua phim, cháu muốn gửi gắm một thông điệp: con người ta không muốn chết sớm mà phải chết, vì không ngờ Thần Chết lại luôn phục sẵn trong các hành vi nguy cơ cao như tình dục không an toàn và sử dụng bơm kim tiêm chung... Hầu hết phim do cháu sản xuất đều lấy cảm hứng từ những cảnh đời rất thực và nhân vật chính là những nạn nhân đáng thương của AIDS. Đó là một vị công chức suốt đời phấn đấu, giữ gìn thế mà chỉ một phút ham vui đã đánh mất đi tất cả. Một nhân viên y tế bao ngày làm việc nghiêm túc, chỉ một chút lơ là đã vô tình lây nhiễm HIV. Một người lao động vất vả cả đời mới gây dựng nên một mái ấm gia đình nhưng đến cuối đời phải chết trong cô đơn, ghẻ lạnh. Những thanh thiếu niên đang tràn trề nhựa sống, một ngày kia lại trở nên thân tàn ma dại vì lỡ đua đòi hút chích, dùng chung bơm kim tiêm với người có H. Có em bé thơ ngây đôi mắt trong veo nhưng cha mẹ em đã sớm qua đời vì AIDS, còn em thì không biết lúc nào Thần Chết tới mang đi. Lại có cả những cô gái khi biết mình có H đã tính chuyện trả thù đời, gieo rắc cái chết cho bao người khác.

Chao ơi, bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Tất cả những yêu thương, đau xót, bạc bẽo, dại khờ cùng những hiểu biết cặn kẽ về cách thức phòng tránh AIDS sẽ được cháu chuyển tải vào phim một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cháu hi vọng, với sức ám ảnh đặc biệt, những bộ phim này sẽ vào trong đốt lửa lòng người, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ trước căn bệnh này.

Nhưng ông ạ, cháu thì “lực bất tòng tâm”, cháu nghĩ chỉ có ông mới có thể giúp cháu biến những ước mơ này thành hiện thực để cứu lấy nhân loại. Vì vậy, cháu rất mong được ông lắng nghe và thấu hiểu!

Kính thư!

(Hồ Thị Hiếu Hiền-Lớp 6/9,trường THCS Tây Sơn,

Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) ”

Trên đây là toàn văn bức thư của em Hiếu Hiền được đăng trên các trang báo Giáo dục- Thời đại, Thanh niên, Dân trí, hay nhiều các trang báo khác và cũng được lưu trữ tại thư viện ở các chuyên đề “Bài trích từ báo, tạp chí” hay chuyên đề “ Câu chuyện cuối tuần”. Mong rằng các em hãy cùng đọc lại để học tập, suy ngẫm và có kinh nghiệm dự thi viết thư quốc tế UPU cho những lần dự thi tiếp theo.



Câu chuyện cuối tuần hôm nay đến đây là hết, cảm ơn sự quan tâm lắng nghe quý thầy cô, cùng tất các em. Xin cảm ơn và trân trọng kính chào.

( sau đây là lá thư viết tay của em Hiếu Hiền)

Sưu tầm: Trịnh Thị Thủy



Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

LỄ KHAI GIẢNG NĂM HỌC MỚI 2010-2011

TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG

TỔ CHỨC KHAI GIẢNG NĂM HỌC 2010-2011


Sáng ngày 4/9/2010 trường THCS Lý Tự Trọng đã long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2010-2011, buổi lễ vinh dự được đón tiếp đồng chí Trình Minh Đức – UVBTV Thành ủy- Chánh Văn phòng UBND Thành phố Tam Kỳ, đại biểu đại diện Lãnh đạo Ngành GD&ĐT thành phố, đại diện Lãnh đạo của 2 phường An Xuân và Phước Hòa, các ban, ngành, đoàn thể của 2 địa phương và quý bậc PHHS.

Trong tiết trời dịu mát của những ngày đầu thu và rộn ràng kỷ niệm những ngày tháng 8 hào hùng của lịch sử, trường THCS Lý Tự Trọng hân hoan chào đón năm học mới.

Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ngành, Đảng uỷ, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ tích cực của Ban đại diện CMHS và toàn thể phụ huynh học sinh, đặc biệt với nổ lực thi đua dạy tốt, học tốt của thầy và trò trường THCS LTT, năm học qua trường đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp:

- Thực hiện tốt cuộc vận động 2 không của Ngành GD&ĐT. Chất lượng văn hoá, hạnh kiểm học sinh được đánh giá đúng thực chất.

- Công tác chuyên môn tiến hành đúng theo sự chỉ đạo của Ngành giáo dục, đạt hiệu quả cao.

- Các hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh và ngoài giờ lên lớp được duy trì tốt và có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục học sinh.

+ Kết quả cụ thể như sau:

- 28 HS đạt giải cấp Tỉnh.(Trong đó có 4 Giải I , 8 Giải II: , 7 Giải III: , 9 giải KK:

- 216 HS đạt giải cấp Thành phố (Giải I: 22, Giải II: 39, Giải III: 98, KK: 57)

- Đứng nhất toàn đoàn HSG lớp 6,7,8 và HSG lớp 9 cấp TP. Nhất TTVH cấp TP và cấp Tỉnh.

- Đứng nhất giao lưu HSG Anh Văn cấp thành phố.

- Đứng nhất Kể chuyển theo sách cấp TP hè năm 2010.

- Toàn trường: - Học lực từ TB trở lên: 1100/1198. TL: 91.8 %. 359 HS có học lực giỏi. Hạnh kiểm TB trở lên: 1197 em TL 99,9% (Khá -Tốt: 98,5%)

- Kết quả vào lớp 10 công lập: 85,6 % (Mặt bằng TP: 81%)

- Tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ như: Văn nghệ, cắm trại, tham quan cho học sinh giỏi, tổ chức tốt phong trào gây quỹ học bổng TSĐT, diễn đàn Trẻ em và các mục tiêu về trẻ em"...

Với những thành tích trên, trường THCS Lý Tự Trọng đã khẳng định được năng lực giảng dạy và giáo dục của đội ngũ CB.GV.NV, khẳng định được học sinh trường ta thực sự năng động và có nhiều tiến bộ, trường đã tạo được sự tin tưởng trong phụ huynh và nhân dân.

Trong năm học này với chủ đề: “Năm học tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”. Trường THCS Lý Tự trọng phấn đấu thực hiện tốt các nội dung theo chỉ thị số 3399 ngày 16/8/2010 của BGD&ĐT, các nội dung đó cụ thể như sau:

Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 06 của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động 2 không. Hạnh kiểm, học lực của HS sẽ được đánh giá đúng thực chất.

- Thực hiện tốt yêu cầu đổi mới công tác quản lý, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

- Xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong năm học 2010-2011 trên cơ sở Chỉ thị số 52/2007/CT-BGDĐT về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục của BGD và Cuộc vận động của Bộ trưởng: “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông”; Nghiêm cấm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe máy đến trường;

- Thực hiện tốt công tác XHH giáo dục. Từng bước xây dựng trường THCS Lý Tự Trọng thành trường chất lượng cao.

Năm học 2010-2011 trường THCS LTT tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Xây dựng trường lớp xanh-sạch-đẹp-an toàn, thực sự gây ấn tượng và sẽ để lại trong mỗi thầy cô giáo, trong mỗi học sinh những ký ức tốt đẹp về ngôi trường THCS LTT thân yêu của mình !

CB-GV-NV và học sinh toàn trường tin tưởng rằng với thực lực của mình trường THCS Lý Tự Trọng sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2010-2011.

Phút sinh hoạt truyền thống

Học sinh toàn trường nghiêm trang trong lễ chào cờ

Đại diện các Chi đội thả bóng bay

Thầy Hiệu trưởng đánh trống khai giảng năm học mới