photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

TẢN MẠN VỀ NGHỀ

      Ông bà  ta có câu " Mùng một thì ở nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà thầy", để nói về lễ giáo ngày xưa. Thế hệ chúng tôi không biết nhiều về cách ứng xử đã thành phong tục đẹp đó, nhưng cũng cảm nhận được rằng, trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, thời khắc rất đỗi thiêng liêng ấy với mỗi con người, dù nghèo hay giàu, dù già hay trẻ,  người ta đi tết thầy với cả sự trân trọng và niềm tự hào.
     Ngày nay, học sinh, phụ huynh cũng đến nhà thầy mỗi dịp lễ Tết nhưng dường như mọi thứ đều khác xưa? Nhân dịp đầu năm mới, tôi mang tâm sự về nghề của mình để trải lòng cùng quý bạn bè, đồng nghiệp về điều không mới. Nghề giáo hôm nay, giữa những bộn bề, ngổn ngang của " Hai không" mà ngành Giáo dục phát động trong những năm học vừa qua, cũng có những điều không cũ, trong thời buổi hội nhập và phát triển của cơ chế kinh tế thị trường khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới.       
      Việc đi Tết thầy không chỉ nói về sự biết ơn của học sinh, phụ huynh với người thầy mà còn cho thấy vị trí xã hội của người thầy. "Tết" thầy đã trở thành một phong tục đẹp, thể hiện sự tôn trọng của xã hội với nghề giáo. Trò thì tự hào về việc làm ấy, còn người thầy tiếp nhận tình cảm trân trọng ấy như một lẽ tự nhiên bởi  ở đó tình cảm trong sáng và xã hội coi đó là hành vi đẹp. Ngày ấy, trong con mắt của mọi người, dường như ai cũng muốn được như thế.  


       Ngày xưa, số người làm thầy hiếm lắm, người đi học cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ngày nay, đội ngũ những người làm thầy lên đến hàng triệu người. Nhà nào cũng có người đi học. Phụ huynh có người  có trình độ còn hơn thầy. Điều kiện xã hội đã đổi khác nên hiển nhiên việc "Tết" thầy cũng không giống như xưa, nhưng người ta vẫn nương theo phong tục ấy mà ứng xử với thầy cô để bày tỏ tình cảm tôn sư, trọng đạo. Dù cách hành xử có khác đi nhưng trong tâm khảm, người ta vẫn nghĩ là phải cám ơn người đã dạy dỗ con mình. Nhưng theo tôi dù thế nào, thì hình ảnh chung về người thầy vẫn đẹp và nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quí.
      Trong xã hội hiện đại, người ta chọn nghề dạy học như là một nghề kiếm sống và việc ai đó đi dạy học như là một sự phân công lao động xã hội thì câu nói ấy nghe cứ như một khẩu hiệu… Một khẩu hiệu cũng cần cho cuộc sống. Nhưng câu nói đó có hàm ý sâu sắc hơn nhiều. Phải thừa nhận rằng, nghề giáo trước hết là một nghề kiếm sống, xưa cũng thế và nay cũng thế. Nhưng nếu chỉ để kiếm sống mà không yêu nghề, không thấy trách nhiệm thiêng liêng dạy người, trồng người thì không nên chọn nghề giáo, vì nhận thức thế thì không làm nghề tốt được. Phải nói thêm, nghề giáo là một nghề cao quý nhưng cũng là nghề khó, ở đời chẳng có cái gì cao quý mà dễ dàng có được. Khó ở chỗ nhà giáo phải là người mô phạm, chuẩn mực, uy tín và gương mẫu. Nghĩa là phải cố gắng vượt qua chính mình. Bởi đấy là đòi hỏi của xã hội. Mặc dù, trong cuộc sống có nhà giáo chưa làm tròn bổn phận, không giữ gìn được sự cao quý vốn có, và trong xã hội cũng không phải ai hoặc lúc nào cũng đối xử với nghề dạy học như một nghề cao quý thì tôi vẫn xin  đựơc nhắc lại; nghề giáo là nghề cao quý!
      Đòi hỏi cao với người thầy là đúng, là cần thiết. Nhưng có lúc, tôi thấy ở đâu đó còn thiếu công bằng với nghề giáo, với người thầy. Nên có một cách nhìn rộng rãi cảm thông, cách đánh giá đầy đủ công tâm đối với nhà giáo trong cơ chế thị trường. Trường học không phải là một hòn đảo trong quan hệ với xã hội. Cô giáo không phải là những nàng tiên bay xuống hạ giới dạy rồi lại về trời sinh sống. Họ là những con người bình thường, có nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại, có nhu cầu lo toan việc gia đình và quan hệ xã hội. Họ cũng chịu tác động từ nhiều phía trong khi sống và làm việc, họ cũng có niềm vui và nỗi buồn, có lúc đúng, lúc sai.Bởi thế, đòi hỏi cao với họ là đúng, nhưng khó mà tất cả trong số hàng triệu nhà giáo có đủ ý chí, sức lực để vượt qua mọi thử thách. Mặc khác, những điều kiện tạo cho họ để hành nghề chưa thể gọi là đầy đủ  và thuận lợi. Thực tế, vẫn có, dù là rất ít, những nhà giáo vi phạm đạo đức, yếu  về phương pháp sư phạm, phong cách thiếu chuẩn mực. Nhưng đại đa số nhìn chung đều tốt. Họ xứng đáng được tôn trọng. Vì chính họ đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để đào tạo nhân lực góp phần vào công cuộc đổi mới thành công. Chỉ chỉ tiết rằng những câu chuyện hay về họ được ít người biết đến.
      Theo tôi, mong muốn của những người thầy cũng giản dị, có giới hạn chứ không vô cùng. Về vật chất, họ chỉ muốn sống được bằng lương. Về tinh thần, họ muốn xã hội hãy góp ý chính xác, công tâm, có chê có khen, có xây có chống. Về công việc, họ mong có được sự quan tâm thường xuyên của xã hội. Họ mong được sự phối hợp chặc chẽ của phụ huynh trong việc giáo dục học sinh, chứ không nên theo cách cứ nghĩ "Tết" thầy  cho đầy đủ rồi khóan trắng cho nhà trường và yên tâm rằng con mình sẽ nên người. Họ mong được giành chủ yếu thời gian cho việc dạy học. Họ luôn phấn đấu để có  vị trí cao trong xã hội. Muốn thế, người thầy phải làm tốt làm tốt vai trò trồng người và phải tự rèn luyện mình thành người tốt. Tại sao ngày xưa học trò ngưỡng mộ, thậm chí đến mức thần thánh hóa người thầy, coi lời thầy dạy bao giờ cũng đúng, có việc gì khó cũng tới hỏi thầy. Vì người thầy thực sự chuẩn mực, đàng hoàng, hiểu biết và đáng tin cậy ở mọi phương diện. Bây giờ cũng có nhiều thầy cô được học sinh kính trọng, phụ huynh tôn trọng, xã hội tôn vinh. Đó thực sự là những người thầy mẫu mực, yêu nghề, giỏi chuyên môn, là tấm gương về đạo đức và phong cách. Đó là những cán bộ quản lý giỏi, có bản lĩnh, ngay thẳng, công tâm, gương mẫu, có nghiệp vụ quản lý, hiểu lòng người, có uy tín trong tập thể. Xây dựng được đội ngũ như thế, chúng ta sẽ đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của xã hội. Tất nhiên, để làm được điều đó, không chỉ ngành giáo dục là đủ. Theo tôi, cần quan tâm đến tất cả các khâu trong công tác nhân sự từ đào tạo đến tiếp nhận, đánh giá, sử dụng và đào thải. Đào tạo có bài bản, tiếp nhận có chọn lựa, đánh giá cho khách quan, sử dụng cho đúng người. Tiếp nhận, phải gắn trách nhiệm và quyền hạn. Đào thải, phải có cơ chế thường xuyên, thông suốt. Làm tốt những việc đó chắc chắn sẽ nâng cao được chất lượng đội ngũ, khẳng định vị trí của người thầy, khẳng định sự cao quý của nghề giáo và khi đó sự ứng xử của xã hội đối với người thầy sẽ khác, sẽ được trân trọng và cao quý hơn!
                                                                                                                                                                                                                                              NGUYỄN THỊ MINH THƯ                                                                                                                                                                                                                                                    TỔ NGOẠI NGỮ