photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

PHÁT THANH CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN


NHỮNG NGUYÊN TẮC DINH DƯỠNG CHO MÙA THI
             Kính thưa quý thầy cô và các em học sinh thân mến!
            Thế là mùa thi lại về, chắc chắn các em sẽ có nhiều nỗi âu lo kéo theo là sự mệt nhọc, lười ăn, hoặc ăn qua loa cho xong bữa. Nếu như vậy các em đã tự coi thường sức khoẻ cho chính bản thân mình; thế thì làm sao đủ dinh duỡng cho cơ thể, đặc biệt là trong những ngày thi căng thẳng này. Hôm nay, Thư viện xin gửi đến quý thầy cô và các em học sinh “Những nguyên tắc dinh dưỡng cho mùa thi”. Bài viết của TS- BS Trần Thị Minh Hạnh - Trưởng phòng Dinh dưỡng cộng đồng- Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM được đăng trên “dinh dưỡng.com”.
Sức khoẻ dẻo dai và khả năng hoạt động trí óc của các em tùy thuộc nhiều vào nếp sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng.
Ăn để... dẻo dai: Việc thi cử có thể ví như một cuộc chạy đua đường dài trong suốt một khoảng thời gian vài tháng. Các em cần thường xuyên nhận đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể.
Buổi sáng và trưa giúp não tỉnh táo, năng động, tránh buồn ngủ thì chế độ ăn cần giàu đạm (chọn thịt, cá, trứng, đậu nành, sữa), ít tinh bột, rau, trái cây.
Thịt, cá, trứng, sữa cung cấp chất đạm giúp cung cấp axit-amin để tái tạo tế bào, tạo chất dẫn truyền thần kinh, giúp tăng cường hoạt động trí não.
Thịt, cá, trứng, sữa cung cấp chất đạm giúp cung cấp axit amin để tái tạo tế bào, tạo chất dẫn truyền thần kinh, giúp tăng cường hoạt động trí não. Nếu chỉ ăn tinh bột mà thiếu đạm sẽ dễ buồn ngủ, trí óc kém linh hoạt và cũng mau... đói.
Chất xơ có trong rau sẽ giúp làm chậm sự hấp thu đường vào máu. Vitamin và chất khoáng từ trái cây giúp tạo cảm giác khoẻ khoắn. Tránh ăn quá no sẽ dễ buồn ngủ. Buổi chiều tối để não thư giãn, nên ăn ít đạm, nhiều tinh bột.
Cách chọn thực phẩm: Não sử dụng một lượng lớn đường để hoạt động (khoảng 20% tổng lượng bột đường cung cấp cho cơ thể). Tuy nhiên, cần chọn loại thực phẩm có dạng bột đường hấp thu chậm để mức đường trong máu luôn ổn định. Khi đó, não được cung cấp “nhiên liệu” một cách liên tục để hoạt động.
Các loại thực phẩm có đường hấp thu chậm như ngũ cốc thô (gạo không xát trắng, bánh mỳ đen, ngô, khoai lang...), trái cây không quá ngọt như bưởi, táo, sơ-ri, nho ta (nên nhớ ăn cả trái sẽ tốt hơn chỉ uống nước ép trái cây).
Tránh xa các thực phẩm nhiều đường tinh như nước ngọt, bánh kẹo ngọt, thức uống có đường... Các em học sinh lại “háo ngọt” nên có thể ăn bánh kẹo ngọt nhưng không ăn lúc đói mà ăn ngay sau bữa ăn chính để không làm đường huyết tăng vọt.
Chất béo thiết yếu (omega-3 và omega-6) là nguyên liệu cấu tạo nên tế bào thần kinh. Những chất này rất dễ bị thiếu do cơ thể không tự tổng hợp được mà phải đưa từ thức ăn bên ngoài vào với tỷ lệ omega-3 và omega-6 ngang nhau.
Tránh ăn quá no sẽ dễ buồn ngủ. Buổi chiều tối để não thư giãn, nên ăn ít đạm, nhiều tinh bột.
Tuy nhiên, omega-3 dễ bị thiếu hơn do chế độ ăn ít cá. Omega-3 có trong các loại cá béo như cá basa, cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi. Omega-6 có trong các loại hạt nhiều dầu như hạt bí đỏ, hạt hướng dương, mè và dầu thực vật. Thế nên, để hoạt động trí não được tốt thì các em nên ăn ít nhất 3 lần cá trong tuần.
Phospholipid có nhiều trong lòng đỏ trứng và thịt nội tạng, giúp tạo myelin bao bọc dây thần kinh nên thúc đẩy sự truyền các tín hiệu một cách trơn tru trong não.
Một số axit amin làm thức tỉnh não, còn một số khác lại giúp não thư giãn, nghỉ ngơi. Hai loại axit amin quan trọng là tryptophan & tyrosine, là tiền chất tạo nên các chất dẫn truyền thần kinh, giúp não thư giãn. Tryptophan có nhiều trong sữa, yaourt, phô mai, thịt, cá, trứng, hạt hướng dương, hạt bí đỏ, vừng, lạc...
Iốt và sắt là hai vi chất rất cần cho bộ não, vì thiếu iốt thì học sinh sẽ thụ động, dẫn đến trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu. Chất sắt có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá, trứng hoặc rau xanh và các loại đậu.
Chất sắt từ nguồn thức ăn động vật sẽ hấp thu tốt hơn từ nguồn thực vật. Trái cây tươi giàu vitamin C như cam, bưởi, táo, đu đủ sẽ giúp hấp thu tốt chất sắt. Không nên uống nước trà đặc ngay sau bữa ăn chính vì sẽ ức chế hấp thu sắt.
Hoạt động thể lực tuy không phải là "thức ăn bổ não" nhưng lại hết sức cần thiết vì giúp máu lưu thông tốt, mang oxy và dưỡng chất đến cho não nhiều hơn nên các em sẽ "sáng trí" hơn khi học tập.
Trên đây là những nguyên tắc bổ ích về chế độ dinh dưỡng cho mùa thi. Hy vọng các em học sinh sẽ có chế dộ dinh dưỡng hợp lý cho riêng mình để có một kì thi thật hiệu quả.
Chúc quý thầy cô và các em học có ngày cuối tuần vui vẻ và hạnh phúc. Xin trân trọng kính chào!
                                        Sưu tầm, Biên tập và Phát thanh. CB Thư viện: Ngô Lê Sơn Hà

CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

Thứ 7, ngày 3 tháng 12 năm 2011. Tuần: 16

      Thưa quý thầy cô cùng tất cả các em học sinh thân mến!

Mùa thi đã cận kề đến mang theo những lo âu, mệt nhọc đòi hỏi chúng ta phải có một tinh thần thật thoải mái để đón nhận nó. Ai cũng vậy, nhất là học sinh tới ngày thi là luôn mang trong mình một trạng thái căng thẳng, lo lắng nhiều vì vậy vấn đề quan trọng là làm sao chúng ta khắc phục được tình trạng đó đến mùa thi. Thư viện xin gửi đến các em những thông tin bổ ích để giảm bớt căng thẳng trong kì thi này với Chuyên mục “Giúp sĩ tử giảm stress trong kỳ thi”  Bài được đăng bởi báo Dân trí (Việt báo.com)
Để học tốt và đạt kết quả tốt nhất cho các kỳ thi, đầu tiên cần lưu ý điều gì?
- Để có trí nhớ tốt và cả sức khỏe tốt trong mùa thi, trước hết nên lưu ý đến phương pháp học tập, ôn tập. Làm thế nào để trong thời gian học thi còn có sự nghỉ ngơi, thư giãn. Hoàn toàn nên tránh lối học "nước tới chân mới nhảy", không chịu học ôn tập ngay từ đầu mà lại đợi cận kề ngày thi mới học dồn học nén, học đêm học ngày, học như thế rất có hại cho sức khỏe.
Nên lưu ý, trí não của ta chỉ hoạt động có hiệu quả liên tục trong vòng 45 phút đến 1 giờ, sau đó cần được nghỉ giải lao hoặc chuyển sang hoạt động chân tay độ 15 - 20 phút rồi mới hoạt động trí não trở lại.
Thi cử luôn gây căng thẳng cho các thí sinh, ngay cả đối với những người học hành chăm chỉ trong suốt cả năm học. Giáo sư tâm lý Michael Simpson đã đưa ra những lời khuyên giúp các sĩ tử vượt qua những căng thẳng tâm lý.
Chuẩn bị thế nào?
Lên kế hoạch ôn tập chi tiết cho kỳ thi, tăng cường năng lực và sự tự tin. Nhớ rằng, kỳ thi nào cũng vậy, nó chỉ phản ánh một phần chứ không phải tất cả khả năng của bạn. Người chấm thi thoải mái.
Suy nghĩ tích cực
Thay vì kêu ca phàn nàn và lo lắng thái quá về khả năng thi trượt, bạn hãy tự động viên mình và quyết tâm đạt kết quả cao nhất. Đôi khi “phép thắng lợi tinh thần kiểu AQ” cũng giúp bạn củng cố tâm lý thật tự tin. Một khi bạn thực sự tin vào khả năng của mình thì bạn không phải thất vọng đâu.
Khích lệ bản thân
Tự thưởng cho mình một trận bóng đá hoặc một bộ phim thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Bạn là một người thông minh (phải thông minh thì mới theo học được chứ) và đủ thông minh để vượt qua được kỳ thi này.
Bạn đã học hành chăm chỉ và lao động nghiêm túc, mỗi môn học bạn đã ôn tập kỹ lưỡng và bạn sẽ nhớ được những gì mình đã học và trả lời được các câu hỏi thật chính xác.
Đừng cố tạo áp lực
Các chuyên gia tâm lý luôn khuyến cáo các sỹ tử không nên dính vào hai kiểu người :  -Một là kiểu người hoàn hảo “Tôi phải đỗ kỳ thi này…  phải đạt điểm cao… Tôi phải giỏi mọi thứ, tôi không được phép phạm sai lầm”. Bạn nên nhớ rằng, con người không ai hoàn hảo cả, bạn ưu mặt này nhưng lại khuyết mặt khác. Quá kỳ vọng vào bản thân tạo ra áp lực không cần thiết.
          - Hai là kiểu người thất bại “Tôi thi đợt này chắc trượt vỏ chuối thôi… Thi là thi thế thôi chứ tạch chắc rồi… Sao tôi luôn là kẻ thất bại thế nhỉ”. Nếu bạn tự đầu độc mình bằng ý nghĩ về sự thất bại thì bạn sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì thành công.
Tập thể dục nhẹ nhàng, ăn uống và nghỉ ngơi điều độ
Hãy yêu mến bản thân mình, đừng sao nhãng việc chăm sóc cơ thể. Hãy ghi nhớ câu: “Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”. Muốn học tốt trước hết cơ thể bạn phải khoẻ mạnh.
Một vận động viên trước khi thi đấu không chỉ chuẩn bị kỹ càng về chuyên môn (giống như việc học của bạn vậy) mà còn ăn uống, thư giãn hợp lý, tránh bị xao nhãng và căng thẳng.
Đây hoàn toàn không phải là thời gian thích hợp để bạn chọn nghề hoặc quyết định những vấn đề lâu dài đối với bạn trai/bạn gái của bạn. Sau khi thi xong, bạn còn rất nhiều thời gian cho việc đó.
Thưa quý thầy cô cùng tất cả các em học sinh thân mến! Qua những điêu mà Thư viện giới thiệu trên đây,  hy vọng rằng các em sẽ lập ra được những tiêu chí tốt cho riêng mình để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi sắp đến.
                                                   Sưu tầm, Biên tập và Phát thanh: Ngô Lê Sơn Hà.



Thứ Bảy, ngày 4 tháng 12 năm 2011 TUẦN THỨ : 16


          
HỌC SINH LỚP 8 CỨU 3 THANH NIÊN 
ĐUỐI NƯỚC

Thưa quý thầy cô cùng tất cả các em học sinh thân mến!
Nạn đuối nước vẫn còn xảy ra ở nước ta rất nhiều, Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm, cả nước ta có hơn 6.000 trẻ em chết do đuối nước. Không chỉ riêng trẻ em mà tỉ lệ tử vong ở người lớn cũng rất cao bởi vậy tất cả chúng ta đều phải đề phòng và chú ý hơn về những quy định của giao thông đường thủy, tránh gây ra tại nạn đáng tiếc. Và ít ai có thể sống sót khi bị đuối nước nhưng trên cuộc sống này vẫn còn những người giàu lòng nhân ái và lòng dũng cảm đã không ngần ngại mà cứu lấy những sinh mạng thiếu may mắn này. Trong chương trình phát thanh “Câu chuyện cuối tuần” hôm nay, Thư viện sẽ gởi đến các em học sinh về một tấm gương giàu lòng nhân ái” đã cứu sống 3 thanh niên bị đuối nước. Bài viết “Học sinh lớp 8 cứu sống 3 thanh niên bị đuối nước”được đăng bởi Báo dân trí (7/11/11)  
  - Nghe có tiếng người kêu cứu ở phía ngoài đầm, em Phạm Văn Phương học sinh lớp 8A, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) không chút chần chừ, chèo ghe (sõng) ra cứu, dù bản thân em cũng… không biết bơi.
Tụi anh mãi không quên…
Câu chuyện xảy ra đến nay cũng đã gần 3 tháng trời nhưng khi kể lại giọng Phong vẫn còn chút run run vì… sợ.Hôm đó khoảng 8 giờ sáng Phong đang bắt ốc ở gần bờ trong đầm Ô Loan thì nghe có tiếng người kêu cứu. Nhìn về hướng có tiếng kêu cứu, Phong chỉ thấy có người đang vùng vẫy trong nước, còn chiếc sõng đã chìm. Ba anh thanh niên trong xóm đang nguy kịch là Trương Bảo Nam, Quốc, Tân (cả ba đều khoảng 20 tuổi).
                                               Phong vẫn còn chút run run khi kể về sự việc...
Chẳng nghĩ đến chuyện mình không biết bơi, Phong liền dốc sức chèo sõng thật nhanh để cứu 3 anh. Vật lộn một hồi lâu cuối cùng Phong đã đưa được 3 người vào bờ an toàn.
“Đến bờ có 2 anh do uống nước nhiều nằm một lúc mới tỉnh, còn một anh bị chuột rút ở chân. Khi đưa được 3 anh vào bờ em mới “nhớ”, mình không biết bơi. May mà hôm đó không có chuyện gì xảy ra.”, Phong boàng hoàng kể lại.
Hành động dũng cảm cứu người của Phong không được tiết lộ ra, bởi 3 người thanh niên bị đuối nước cũng là người trong xóm, sợ gia đình mắng nên đề nghị Phong giữ bí mật và nói “ơn cứu mạng của em tụi anh mãi không quên”.
“Đến tôi là thôn trưởng ở đây mà còn chẳng nghe nói gì, mãi đến hôm thầy cô giáo trên trường về nhà cháu xác nhận có đúng là Phong cứu người tôi mới… ngỡ ngàng. Đúng là thằng bé gan dạ, dũng cảm thật.”, ông Nguyền Văn Ngữ, Trưởng thôn Phú Tân 1 nói.
Chẳng là, sự việc Phong cứu người bị “ỉm” cho đến một hôm, Trương Bảo Nam người được Phong cứu sống qua nhà Phong chơi buột miệng nói: “Cảm ơn em nhiều, may mà hôm đó có em không thì 3 đứa anh chết rồi”. Tình cờ chị Phùng Thị Tam (46 tuổi) mẹ của Phong nghe được mới gặng hỏi: “Chết cái gì? Sao mà chết?... Không thể giấu Phong và Nam kể lại đầu đuôi sự việc làm chị Tam một phen hú vía.

Phong chỉ nơi em đã cứu sống 3 thanh niên bị đuối nước
Sau hành động dũng cảm cứu 3 thanh niên trong xóm, chưa được cơ quan tổ chức nào khen, tặng thì Phong đã bị bố mẹ… mắng cho một trận.
Chị Tam tâm sự: “Cứu người là trên hết nhưng thằng bé cũng dại vì có biết bơi đâu, thấy vậy mà không kêu người lớn tới giúp. Nói dại lỡ may hôm đó mấy người đang trong lúc đuối nước quơ được gì túm lấy kéo lật sõng chìm xuống chắc là chết hết”.
Bắt ốc, vớt rau giúp mẹ
Bước vào đầu năm học mới nhà trường triển khai cuộc vận động thực hiện phong trào“Nghìn việc tốt” chọn ra những học sinh học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn và có những hành động đẹp để khen thưởng. Các bạn học sinh ở cùng thôn với Phương liền báo cáo cho thầy cô giáo chủ nhiệm về việc Phong đã một mình dũng cảm cứu 3 thanh niên ở cùng địa phương khi bị chìm sõng đuối nước.
Để tìm hiểu rõ thực hư nhà trường đã về gia đình Phong và gặp các nạn nhân được Phong cứu (hiện cả 3 thanh niên đã đi hái café thuê tại Gia Lai) để xác nhận mới biết được việc Phong đã dũng cảm cứu người là có thật.
Thầy Phạm Văn Thi, Hiệu trưởng Trường THCS Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Ngay sau khi biết em Phong có hành động dũng cảm cứu người trong cơn nguy kịch, Ban giám hiệu nhà trường đã khen em trước buổi chào cờ trên tinh thần động viên, khích lệ, còn phần thưởng đến cuối kỳ trường sẽ có khen thưởng cụ thể”.
                                  Chị Tam mẹ Phongvẫn còn sợ khi nhắc chuyện con trai mình cứu người

Thầy Thi cũng cho biết: Hiện nay, Phòng GD & ĐT huyện Tuy An đã thông báo khẩn cho trường về việc Bảo hiểm DAI – ICHI sẽ cấp học bổng cho đối tượng là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động xã hội… nên trường đã hoàn thành thủ tục cho Phong được nhận học bổng này. Đồng thời cũng đề nghị huyện đoàn xét khen thưởng em cho xứng đáng để nêu gương cho học sinh của trường.
Được biết, Phong là con thứ 5 trong gia đình nghèo có 6 anh em, cha mẹ quanh năm chài lưới, đi sõng vớt rau câu, bắt ốc. Cuộc sống khốn khó nên 4 người anh trai không được học hành tử tế phải tha phương nơi đất khách làm thuê. Nhà chỉ còn Phong đi học và cô em gái năm nay đang học lớp 7.
Mặc dù nhà khó khăn nhưng trong suốt 7 năm liền Phong đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Trong đó có năm điểm tổng kết cuối năm trên tám phẩy.
Hàng ngày, ngoài việc học trên lớp Phong về nhà giúp mẹ việc gia đình rồi đi bắt ốc, vớt rau câu ở đầm Ô Loan. Lặn lội dưới nước cả buổi đỏ cả mắt, da nhợt nhạt em cũng chỉ bắt được 4 đến 5 kg ốc về bán được 20 - 25.000 đồng.
Nói về ước mơ cậu học trò lớp 8 nhưng gương mặt lớn trước tuổi vui vẻ tâm sự: “Giờ em chưa nghĩ sau này lớn lên em sẽ làm công việc gì, nhưng em sẽ cố gắng học thật giỏi thi đậu đại học. Còn có được đi học hay không em cũng chưa biết bởi không biết bố mẹ có tiền cho em ăn học”.
            Các em học sinh thân mến qua bài phát thanh trên các em đã thấy được tấm gương của một bạn học sinh nghèo lớp 8 không nghĩ đến bản thân mình, xả thân cứu người khác trong khi không biết bơi, để từ đó chúng ta hãy rèn luyện bản thân mình thêm tốt hơn.
Sưu tầm, Biên tập và Phát thanh:   Ngô Lê Sơn Hà 

Thứ Bảy, ngày  5  tháng 11 năm 2011. Tuần: 12




      Kính thưa quý thầy cô giáo, các em học sinh thân mến!
Trên quả đất thân yêu của chúng ta đang trong tình trạng ô nhiễm rất trầm trọng. Ô nhiễm môi trường là do con người và cách quản lý của con người. Có rất nhiều tác nhân gây ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm nguồn nước, Ô nhiễm không khí, Ô nhiễm tiếng ồn,...Như chúng ta ai cũng biết thuốc trừ sâu rất có lợi cho nhà nông trong việc diệt trừ côn trùng gây hại nhưng bên cạnh ưu điểm đó thuốc trừ sâu cũng rất có hại, ảnh hưởng xấu tới đời sống của một số côn trùng có ích, đời sống con người và môi trường đất. Và làm thế nào để thuốc trừ sâu không còn tố chất độc hại nữa?
Vì vậy, trong chương trình phát thanh “Câu chuyện cuối tuần” hôm nay, Thư viện sẽ gởi đến các em học sinh về “Ý tưởng làm thuốc trừ sâu từ hạt bình bát của Lê Bảo Ngọc, học sinh trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 7 (2010-2011)” qua bài viết “Bất ngờ từ những điều bình dị” theo Báo Thanh niên ngày 26/10/2011

Thưa quý thầy cô cùng tất cả các em học sinh thân mến! Dựa vào kinh nghiệm dân gian,Bình bát là một loại cây mọc phổ biến ở miền Nam, có nhiều công dụng trong y học, nhưng công dụng làm thuốc trừ sâu (TTS) thì không phải ai cũng biết đến. Ngọc đọc trong sách công nghệ lớp 10 có giới thiệu một số loài thực vật được dân gian sử dụng trị sâu bệnh như: lá sầu đâu, hạt bình bát, mủ đu đủ, mủ xương rồng, mủ vú sữa… Bất chợt, Ngọc nảy ra ý tưởng sản xuất TTS từ hạt bình bát. Ngọc bộc bạch: “Hiện nay, các loại TTS có độ độc cao. Mặt trái của TTS là phá hủy môi trường, tác động xấu đến sức khỏe người dân; làm mất đi một số nguồn sinh vật có lợi cho con người như chim chóc, tôm cá và những ký sinh thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh… Chính sự tiện dụng của TTS đã khiến bà con nông dân dần lãng quên loại TTS sinh học. Mình muốn nghiên cứu tìm ra loại TTS dựa trên kinh nghiệm dân gian”.
Chọn hạt bình bát làm nguyên liệu để thực hiện vì theo Bảo Ngọc, loại cây này mọc dại rất nhiều ở địa phương, thường được người dân trồng quanh bờ ao, hàng rào giữ đất. Đà Lạt là vùng đất trồng rau nổi tiếng, nếu có loại TTS sinh học mới đưa vào sử dụng thì không chỉ phòng trừ sâu, bọ trên diện rộng, nâng cao chất lượng nông sản mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện, mọi chuyện không hề đơn giản. “Tìm hiểu trên sách báo, internet cũng chỉ có vài dòng thông tin chung chung nói rằng có thể trị sâu bệnh. Còn cụ thể, làm cách nào để trị thì hầu như chưa có một đề tài nghiên cứu nào sử dụng hạt bình bát làm TTS” - Ngọc kể. Hằng ngày, sau giờ học, cô học trò hái quả bình bát chín, kỳ công bóc tách hạt rồi mày mò tự điều chế thuốc. Bên trong hạt bình bát có độc tố, nên khi bóc tách phải đeo khẩu trang, mắt kính, nếu sơ suất để bắn dung dịch vào mắt rất nguy hiểm. Sau bao lần thất bại, thay đổi tỷ lệ pha chế, Ngọc mới tìm ra công thức cho TTS. Để kiểm chứng công dụng của thuốc, Ngọc thử nghiệm luôn trên cây trồng, tự dọn đất, trồng 5 luống rau cải và xà lách trong vườn nhà. Đây cũng là khoảng thời gian trải nghiệm vô cùng thú vị với đủ các cung bậc cảm xúc khác nhau, từ lo lắng, hồi hộp, hạnh phúc… “Mỗi lần phun thuốc, mình ngồi hàng giờ hồi hộp xem sâu “say” thuốc, rồi sau đó chụp ảnh, ghi kết quả. Suốt cả tháng trời, ăn ngủ cùng vườn rau, cuối cùng kết quả không ngờ. Trong khi luống rau không phun TTS tàn phá ghê gớm, thì luống rau xịt thuốc, chỉ từ 5-10 giây, sâu bắt đầu phản ứng với dung dịch”.
Ngọc đem ứng dụng với vườn rau nhà bà ngoại cũng cho kết quả tương tự. Ngọc cho biết: “Công thức pha chế vô cùng đơn giản: 50 hạt bình bát  + 10 tép tỏi (lọc qua túi vải) + 20 lít nước + 100 cc rượu/30m2. Sau khi xịt thuốc từ 5-10 giây, sâu bắt đầu phản ứng với dung dịch. Thời gian cách ly sau khi phun TTS từ hạt bình bát lên rau là 7 ngày, rửa sạch trước khi ăn. Bản thân hạt bình bát đã là chất độc, tỏi có vai trò là chất kết dính, còn rượu là chất dẫn. Nếu pha chung hạt bình bát với rượu tỏi, mình nhận thấy nó tác động lên sâu bệnh nhanh hơn là chỉ sử dụng bình bát với nước”.
Nói về tính khả thi của đề tài, Ngọc hồ hởi: “Nghiên cứu hoàn toàn có thể thực hiện với phần đông các hộ gia đình, hộ nông dân và có khả năng nhân rộng. Nếu quy trình được nhân rộng ở các địa phương có diện tích trồng rau lớn sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái và hơn hết là bảo vệ sức khỏe con người”.
Ngoài đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, đề tài này còn được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trao huy chương vàng và được chọn tham gia cuộc thi triển lãm sáng tạo trẻ quốc tế tổ chức tại Thái Lan vào tháng 1.2012. Bảo Ngọc cho hay, sẽ quyết tâm thi đỗ chuyên ngành công nghệ sinh học (ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) trong năm tới để có thể tiếp tục nghiên cứu đề tài còn dang dở và có cơ hội tìm kiếm nhiều đề tài mới hơn ứng dụng trong cuộc sống. 
Các em học sinh thân mến! Từ hạt cây Bình bát mà bạn Lê Bảo Ngọc có thể chế tạo thành công thuốc trừ sâu vẫn đem lại hiệu quả bình thường nhưng lại không độc hại, không ảnh hưởng tới môi tường. Vậy các em hãy đóng góp một chút sức lực của mình, tìm tòi suy nghĩ, chế tạo những vật dụng cho dù là bình dân nhất để chế tạo ra thật nhiều hơn nữa những món quà hữu ích cho cuộc sống và cho môi trường thêm trong sạch hơn.
Sưu tầm và biên tập
 Ngô Lê Sơn Hà




Thứ 7 ngày 22 tháng 10 năm 2011 TUẦN THỨ 10
Năm học: 2011-2012

       Mời quí thầy cô cùng các em học sinh lắng nghe chương trình phát thanh 5 phút “ Câu chuyện cuối tuần” do cán bộ thư viện thực hiện.
       Kính thưa quí thầy cô cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
       Nhân dịp chào mừng 81 năm ngày thành lập Hội LHPNVN 20/10/1930 – 20/10/2011. Thư viện xin gửi đến quí thầy cô cùng các em HS câu chuyện “Vườn mẹ tháng 10”, tản văn Nguyễn Ngọc Phú; trích trang 12 báo phụ nữ việt nam số 123 ra ngày 14/10/2011.

 VƯỜN MẸ THÁNG 10
 


        Tháng 10 là tháng giữa thu, một sắc thu dìu dịu có gì mỏng mảnh như không khí ảo ảnh của những câu chuyện cổ tích...
Một sớm mai bạn thức dậy, trời đã hơi se se. Tơ nhện buông chùng giăng mắc những giọt sương thu long lanh như chuỗi ngọc thời gian ấm nồng hơi đất, hương quả. Quả chín mọng vít vảo hương thu theo gió.
         Vườn của mẹ ta có bao nhiêu là thứ quả: Có quả chín mọng trên cây, có quả chín đầy đặn trên trời đó là quả trăng thu, lại có những thứ quả chưng cất từ đời mẹ mà chúng ta không dễ nhìn thấy được; đó là quả Phúc, quả Lộc - quả của tâm linh hướng thiện!
        Vườn mẹ có màu nâu trầm của đất, sắc vàng hoa cúc ánh lên làm sáng cả một góc vườn. Có cây thị cổ thụ bà trồng giờ đang còn quả chín - thị thơm vào đêm không ngủ, tóc bạc của bà đêm đêm không ngủ, mỗi sợi tóc là một sợi đêm lật sáng ánh ngày.
Vườn mẹ có những cây cỏ thơm mùi thuốc bắc, có những luống rau sạch mà mẹ chăm chút bắt sâu hằng ngày cho bữa cơm gia đình ấm cúng. Có những tên rau đọc lên thật dung dị: Rau tập tàng, rau ngót, rau đay... Rau cũng là một thứ cỏ thần gắn bó với đời sống con người ở chốn thôn quê mộc mạc.
Vườn mẹ có rất nhiều loài chim bay về trong mùa quả chín: Chim chào mào màu đỏ đuôi, chim chìa vôi lúng liếng, chim khách nhẩn nha, chim chích chòe líu lo dậy sớm...
Vườn mẹ là cái nôi dưỡng sinh từ tấm lòng thơm thảo của mẹ. Những lộc biếc đầu cành bao giờ cũng vươn mình về phía có hơi người, có ánh nắng mặt trời ấm áp. Tuổi thơ chúng mình lại vươn về phía mẹ đón nhận vòng tay âu yếm của Người. Con là chồi, mẹ là quả, là hoa.
Vườn mẹ tháng 10 trải rộng ra cánh đồng sau mùa gặt. Bao vất vả lo âu, trên đồng khô, đồng cạn nứt nẻ chân chim, rạn cả nếp da người để đổi lấy hạt gạo tròn đầy. Hạt gạo là hạt vàng mười giấu sau vỏ áo trấu thô ráp để nở bung cả nồi cơm đến ngọn khói trên mái rạ cũng thơm hương cơm mới.
Mẹ ơi! Tháng 10 là tháng của mẹ, mẹ đã mang thai con “9 tháng 10 ngày” để chớm sang tháng 10 con mới thành hình hài, ra đời trong nhịp thời gian giao hòa như cánh võng. Một đầu mắc vào tháng Giêng phôi thai, đầu kia nối vào tháng 10 sinh nở. Đêm tháng 10 thật dài, ánh lửa bập bùng soi bóng mẹ. Mẹ búi tóc cao hơn, tay áo mẹ ngắn hơn, giọng nói của mẹ ngày một chậm hơn, đã cho con tóc dài hơn, áo con mặc đẹp hơn và giọng hát của con trong hơn...
Có lúc nào bạn vẽ chân dung mẹ mình chưa? Bạn thử nhắm mắt lại sẽ hình dung ra mẹ. Mẹ đang đi giữa vườn, nâng niu từng bụi hoa, chống lại cho thân cây gầy đang mùa bói quả. Bạn hãy chải mái tóc của mẹ thật dài, suối tóc ấy chải xuống tháng 10 cho những mùa sinh sôi, cho những mùa trĩu quả...

                                                                           Sưu tầm Bùi Ngọc Trung


Thứ Bảy, ngày 4 tháng 12 năm 2011 TUẦN THỨ : 16

             Kính thưa quý thầy cô giáo! Các em học sinh thân mến!
          Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã được toàn ngành, toàn dân hưởng ứng và đã được thấm sâu trong thế hệ học sinh, sinh viên các cấp. Trong đó đã có nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo lời Bác dạy, đặc biệt lời Bác dặn “ Nhặt của rơi, trả người đánh mất” đã in sâu trong từng trái tim của thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.
Vì thế, trong chương trình phát thanh “Câu chuyện cuối tuần” hôm nay, Thư viện sẽ trích tặng các em học sinh vài tấm gương tiêu biểu thực hiện lời Bác dạy “Nhặt của rơi, trả người đánh mất” được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mời các em và quý thầy cô giáo chủ nhiệm cùng lắng nghe câu chuyện “Học sinh nghèo trả lại 23 triệu đồng cho người đánh mất” theo Giáo dục- thời đại 05/11/2010 09:15
Thưa quý thầy cô cùng các em học sinh thân mến! Chuyện học sinh nghèo trả lại 23 triệu đồng cho người đánh mất, đó là Em Phan Việt Hân, học sinh lớp 4C trường tiểu học Phan Thanh, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã trả lại số tiền 23 triệu đồng nhặt được cho người đánh rơi.
Em Phan Việt Hân


Em Phan Việt Hân trong buổi nhận thưởng hs tốt bụng
Em Hân kể lại, vào chiều 1/11, trên đường đi học về, em đã nhặt được chiếc ví, trong đó có số tiền 23 triệu đồng. Không một chút do dự em liền mang đến báo với tổ nhân dân thôn Bảo An Đông (nơi em nhặt được ví) và nhờ tìm người mất để trả lại. Qua 3 ngày tìm kiếm, mọi người biết chính xác chủ nhân chiếc ví là anh Đoàn Bốn ở thôn Xuân Đài, xã Điện Quang tỉnh Quảng Nam. Anh đã đánh rơi ví trên đường về nhà sau khi vừa vay tín chấp số tiền trên tại ngân hàng để đầu tư sản xuất.
Trao đổi với cô giáo Huỳnh Thị Mỹ, giáo viên chủ nhiệm em Phan Việt Hân cho biết: gia đình Hân rất khó khăn, bố mẹ làm thuê, cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Việc làm của em Phan Việt Hân nhặt của rơi trả lại cho người mất, thật đáng biểu dương và đáng khen ngợi.
 (Theo GD&TĐ)
          Từ nghĩa cử cao đẹp đó, em Phan Việt Hân đã được UBND H.Điện Bàn tổ chức trao thưởng của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vào ngày 24.11.2010 vừa qua.

Tương tự việc làm tốt của Việt Hân, câu chuyện “Hai học sinh nhặt được 10 triệu đồng trả cho người đánh rơi” cũng đáng được biểu dương khen thưởng. Báo Dân trí đã đưa tin, rằng:

Chiều 28/7, thầy Nguyễn Văn Mạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Đồng cho Dân trí biết, lúc 14 giờ ngày 22/7 hai em Đặng Thị Xuân (học sinh lớp 8H,) và Phan Thị Oanh (lớp 8B,) đều trú xóm 2, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An trên đường đi học thì thấy một bọc tiền đánh rơi ngay trước cổng bưu điện xã Nghĩa Đồng.
          Hai em nhặt lên và đưa cho nhân viên bưu điện. Nhân viên bưu điện đã thông báo cho người bị mất tiền quay trở lại nhận. Sô tiền mà hai em Xuân và Oanh nhặt được là 10 triệu đồng tiền mặt. 
Được biết, đây là số tiền của bưu điện huyện Tân Kỳ do một cán bộ bưu điện huyện sơ suất đánh rơi. Sau khi biết việc làm của hai em, cán bộ này đã tới gia đình hai em cảm ơn.
          Việc làm của hai em Oanh và Xuân khiến nhà trường rất phấn khởi. Đặc biệt, trong giai đoạn nhà trường đang phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Việc làm của hai em nhà trường đã nêu gương trong các buổi học. Đồng thời, đài truyền thanh huyện Tân Kỳ cũng đưa tin trên hệ thống loa phát thanh toàn huyện.
          Trao đổi với PV Dân trí, ông Ngô Xuân Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cho biết, “UBND xã đã cho người đến thăm gia đình, đồng thời giao cho Hội khuyến học xã khen thưởng hai học sinh này vào dịp năm học mới. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo việc làm có ý nghĩa này của hai em lên huyện…”. (Nguyễn Duy)
          Các em học sinh thân mến! Bên cạnh những tấm gương tốt bụng như Hân, Oanh, hay Xuân,…hiện nay vẫn có một số bạn cùng trang lứa còn ham chơi, say mê với trò chơi điện tử, hay vòi tiền của bố mẹ để chi tiêu những điều vô bổ; còn đối với những tấm gương tốt như Hân, Oanh, hay Xuân,…thật đáng quý, đáng trân trọng và đáng được biểu dương.
            Hy vọng, tấm gương tốt của các em sẽ mãi tỏa sáng trong lòng các bạn cùng trang lứa để lớn lên thành người có ích cho đất nước.
         
Sưu tầm, biên tập và phát thanh
                                              CB Thư viện Trịnh Thị Thủy