photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG


GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ
THÔNG QUA HÌNH ẢNH TRỰC QUAN

A/ ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:
Trường THCS Lý Tự Trọng Tam Kỳ đóng trên địa bàn phường An Xuân, địa chỉ 126 Huỳnh Thúc Kháng thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Trường được thành lập theo quyết định số 71/QĐ-UB của UBND Thị xã Tam kỳ ngày 01/8/1989 sau khi tách cấp II từ trường PTCS Lý Tự Trọng Tam kỳ, Quảng Nam- Đà nẵng.
So với các trường THCS trong toàn thành phố Tam kỳ, đây là ngôi trường THCS ra đời sớm nhất. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên ban đầu, đặc biệt là CSVC, trường đã có nhiều thuận lợi trong công tác dạy và học, cùng với các hoạt động phong trào khác. Do đó, từ ngày thành lập đến nay, hằng năm trường luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, đạt thành tích cao trong nhiều phong trào khác và cũng từ đó, đã trở thành một trường có bề dày truyền thống tốt đẹp của Thành phố cũng như của Tỉnh.
Với đặc điểm tình hình trên đây, việc giáo dục truyền thống lịch sử nói chung, truyền thống nhà trường nói riêng là một trong những nội dung mà Lãnh đạo nhà trường đặt lên hàng đầu trong những nội dung giáo dục của mình .
B/ CÁC BIỆN PHÁP TỔ CHỨC :
I/ Xác định nội dung và hình thức giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường:
1/ Nội dung giáo dục:
Theo nghĩa thông thường, truyền thống là những nề nếp, những thói quen tốt đẹp được lưu giữ qua nhiều thời kỳ, nhiều thế hệ. Lịch sử có nghĩa là quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của một sự vật, một hiện tượng. Do đó, để giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh trong nhà trường một cách đúng nghĩa, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, truyền đạt, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước, tính cách anh hùng, bất khuất, lòng yêu nước kiên trung của con người Việt Nam, về quá trình đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam, mà chúng tôi còn quan tâm nhiều đến việc nhắc nhở các em học sinh về ngôi trường thân yêu mà hằng ngày mình đang học tập, xây dựng và gắn bó, về người anh hùng Lý Tự Trọng mà trường được vinh dự mang tên.
Do đó chủ đề nội dung trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử mà trường THCS Lý Tự Trọng chúng tôi đầu tư trong những năm qua là :
1/ Đất nước – con người Việt Nam.
2/ Hình ảnh - Cuộc đời anh Lý Tự Trọng.
3/ Những thế hệ thầy cô giáo - học sinh và những thành quả đạt được trong những năm qua.
2/ Hình thức giáo dục:
Trong hệ thống các phương pháp giáo dục ở trường phổ thông, mỗi phương pháp đều có ưu điểm riềng, đặc biệt là chúng đều phụ thuộc nhất định vào môi trường, điều kiện và bối cảnh giáo dục. Đối với việc giáo dục truyền thống lịch sử ở nhà trường, nhất là thuộc phạm vi ngoài lớp học thì phương pháp sử dụng hình ảnh trực quan là sự lựa chọn tốt nhất để chúng ta có thể truyền tải đến các em những điều muốn nói. Qua thực tiễn và kinh nghiệm giáo dục, chúng tôi thấy rằng những hình ảnh đẹp, ấn tượng và có ý nghĩa luôn để lại trong ký ức học sinh một dấu ấn tốt đẹp, lâu phai mờ. Do đó, chúng tôi đã chọn và sử dụng hình thức trực quan bằng nhiều hình ảnh ( kể cả hình ảnh chỉ dưới hình thức là chữ viết) để làm công cụ giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường.
3/ Những việc đã làm:
3.1/Tạo tình cảm yêu thương và lòng tự hào của học sinh về ngôi trường mình đang học :
Đây là điều mà chúng tôi nghĩ đến đầu tiên khi thực hiện công tác giáo dục truyền thống lịch sử trong nhà trường. Trước hết, chúng tôi tạo cho học sinh của mình một niềm tự hào rằng mình được là học sinh trường THCS Lý Tự Trọng Tam kỳ, một trường được hình thành sớm nhất và cũng là trường có bề dày truyền thống tốt đẹp nhất thành phố. Đó chính là một trong những cái nôi bồi đắp nhân cách, tâm hồn và kiến thức cho mình. Để có được điều này, chúng tôi tập trung vào 2 nội dung :
1/ Khi có điều kiện thuận lợi, nhất là vào các dịp chào cờ đầu tuần, vào những lần tổ chức lễ khai giảng, lễ kỷ niệm lịch sử ... chúng tôi luôn nhắc nhở các em học sinh về những thành quả tốt đẹp mà các thế hệ thầy cô giáo và học sinh đi trước đã gầy dựng nên, đồng thời động viên, khuyến khích cho các em thấy rằng mình phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những thành quả đó, để sau này mình cũng chính là người được các thế hệ sau nhắc đến.
2/ Thường xuyên cải tạo cảnh quan sư phạm, tạo hình ảnh đẹp, đáng nhớ cho học sinh về ngôi trường thân yêu của mình. Do kinh phí có hạn mà nhu cầu xây dựng, cải tạo rất nhiều, đặc biệt phải tập trung vào các công trình trọng điểm để phục vụ dạy và học nên chúng tôi cũng chỉ từng bước chỉnh trang dần hằng năm cảnh quan sư phạm nhà trường, đặc biệt chú ý cảnh quan phía trước khuôn viên trường, trong đó, khu vực cột cờ và tượng đài anh Lý Tự Trọng là nơi được chúng tôi tập trung nhiều hơn, nhằm tạo ra một dấu ấn cho các em về hình ảnh ngôi trường. Riêng tấm bia ghi lại tiểu sử anh Lý Tự Trọng được thực hiện đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của anh vào tháng 10 năm 2004, ngay sau khi Trung ương Đoàn thông báo cho cả nước về việc tìm được ngày và nơi sinh của anh ( 20/10/1914).
Đặc biệt, ở trước tượng đài, chúng tôi cho xây một cụm non bộ để tăng thêm cảnh trí thoáng đãng và yếu tố thẩm mỹ cho khu vực. Cụm non bộ này được xây dựng từ nguồn kinh phí tài trợ của một học sinh cũ là Đoàn Ngọc Trí Tín, thế hệ 1983 – 1987, hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Phía trước cụm non bộ, chúng tôi dựng một bảng lưu niệm ghi tên và nơi công tác của người tặng với ngụ ý giới thiệu cho mọi người, đặc biệt là học sinh nhà trường về một nét truyền thống tốt đẹp của trường. Đó là một học sinh xuất thân từ mái trường này đã trở thành một doanh nhân thành đạt và luôn nhớ về nguồn cội của mình, đặc biệt là tấm lòng của em học sinh này dành cho thế hệ đàn em còn đang vất vả trên đường đến lớp. ( Em Đoàn Ngọc Trí Tín hiện cũng đang là nhà tài trợ học bổng cho nhà trường, mỗi năm 10 triệu đồng, kể từ năm 2004 đến nay)
3.2/ Xây dựng và trưng bày phòng truyền thống :
Phòng truyền thống của nhà trường được hình thành năm học 2003-2004 trong giai đoạn xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Đây là nơi trưng bày những thành quả đạt được hằng năm của nhà trường, đồng thời cũng là nơi lưu giữ những hình ảnh, những tư liệu có liên quan đến quá trình thành lập trường và những thành tích mà các thầy cô giáo cùng với học sinh đã đạt được trong những năm qua. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc sưu tầm, sao lục vẫn còn nhiều trở ngại nên hiện nay, nhà trường vẫn phải tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa mới hoàn thành được những điều mình đã đề ra, đặc biệt là sổ truyền thống của trường.
3.3/ Giáo dục truyền thống lịch sử đát nước và con người Việt Nam thông qua hoạt động thư viện :
Thư viện là nơi thu hút đông đảo các thầy cô giáo, học sinh và khách đến thăm trường hoặc liên hệ công tác. Do đó, đây là nơi có điều kiện tốt nhất để thực hiện công tác giáo dục truyền thống. Trong những năm qua, chúng tôi đã tập trung xây dựng ở Thư viện một số hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử như sau :
1/ Bài trí thư viện sạch, đẹp, trang nhã, ngăn nắp, tạo sức thu hút mọi người đến với thư viện.
2/ Xây dựng góc lịch sử, ở đó tập trung những hình ảnh, tư liệu, sách báo mang chủ đề lịch sử đất nước, quê hương, nhà trường. Đặc biệt, nhà trường đã hình thành được tập kỷ yếu về Anh Lý Tự Trọng vào năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Anh (20/10/1914 - 20/10/2004), và hằng năm tiếp tục phát động cho học sinh sưu tầm hình ảnh, tư liệu liên quan đến Anh để bổ sung vào kỷ yếu.
3/ Hình thành bộ sưu tập về lịch sử các ngày lễ lớn trong năm để làm tư liệu sinh hoạt dưới cờ hằng tuần nhân các dịp kỷ niệm lịch sử trong từng thời điểm thích hợp. Bộ sưu tập này cũng được lưu giữ ở thư viện để làm tư liệu lịch sử cho học sinh tìm đọc.
4/ Công tác giới thiệu sách báo mang tính giáo dục truyền thống cũng là một hoạt động mà Thư viện nhà trường thực hiện có hiệu quả. Ở thư viện, vào mỗi thời điểm lịch sử quan trọng, đều có giới thiệu một cuốn sách mang nội dung phù hợp với chủ đề. Tên và nội dung cuốn sách được trình bày bằng phấn với nhiều màu sắc để tạo sự chú ý cho người đến thư viện. Từ cách giới thiệu trực quan này, nhiều cuốn sách có đề tài lịch sử đã được học sinh tìm đọc.
5/ Ngoài ra, vào giờ sinh hoạt lớp mỗi cuối tuần hoặc cuối tháng, thông qua hệ thống loa phóng thanh mắc đến từng phòng học, thư viện sử dụng 5 phút đầu tiết sinh hoạt để thực hiện chương trình “ Câu chuyện cuối tuần”, qua đó chuyển đến các em học sinh một số câu chuyện lịch sử hay có tác dụng giáo dục truyền thống trích từ sách, báo, tạp chí có trong thư viện.
3.4 Một số hình thức khác :
1/ Một hình thức trực quan bằng hình ảnh mà nhà trường cũng thường sử dụng để chuyển đến học sinh những mốc thời gian quan trọng trong quá trình hình thành lịch sử nước nhà : Đó là dùng một bảng lớn để vẽ hình và viết bằng phấn màu những câu khẩu hiệu chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm trong năm. Tấm bảng được đặt ở sảnh chính diện của nhà trường để các thầy cô giáo và học sinh đều trông thấy hằng ngày mỗi khi bước chân đến trường.
2/ Một công trình về truyền thống lịch sử với tên gọi “ Việt Nam - Đất nước- Con người” của Liên đội TNTP Hồ Chí Minh nhà trường vừa hoàn thành để chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 10 năm 2007 là một tủ trưng bày các bài viết về các sự kiện lịch sử đất nước, về tiểu sử anh hùng Chi đội mang tên. Tủ này chưa nhiều thông tin bằng chữ có kèm hình ảnh trên những bảng lớn, có thể đọc được ở khoảng cách 3 mét. Tủ có 8 ngăn, mỗi ngăn có thể chứa được nhiều bảng để thay đổi nội dung thông tin. Do đó, hằng năm có thể bổ sung thêm những nội dung khác theo từng thời điểm lịch sử.
Giáo dục truyền thống lịch sử là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong nhà trường; bởi vì đây chính là bước khởi đầu hình thành cho học sinh nhận thức về cội nguồn, về lòng tự hào dân tộc, để từ đó, làm nền tảng xây dựng nên tinh thần yêu nước, yêu giống nòi cho học sinh. Nội dung giáo dục truyền thống lịch sử không chỉ là hình ảnh, là chiến công, khí phách của những người anh hùng dân tộc, là những con người Việt Nam giàu lòng nhân ái nhưng biết nuôi chí căm thù; là những mảnh đất quê hương kiên trung bất khuất, mà truyền thống lịch sử còn là những điều hết sức bình dị xuất phát từ nếp sống, từ việc làm giản đơn trong phạm vi nhỏ hẹp như gia đình, lớp học, mái trường nhưng có ý nghĩa nhân văn tốt đẹp được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Đó cũng chính là những nội dung giáo dục truyền thống lịch sử mà trường THCS Lý Tư Trọng Tam kỳ đã và đang tiếp tục tập trung để chuyển tải đến các em .