photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG


TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG
THÀNH PHỐ TAM KỲ - TỈNH QUẢNG NAM
Quá trình hình thành - xây dựng và phát triển

I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP TRƯỜNG :
Trường THCS Lý Tự Trọng Tam Kỳ đóng trên địa bàn phường An Xuân, tại số 126 ( Nay là số 228 ) đường Huỳnh Thúc Kháng thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
Trường được xây dựng vào năm 1973 với tên gọi ban đầu là trường Trung học đệ nhị cấp Trần Cao Vân. Học sinh của trường lúc bấy giờ gồm các lớp 10,11,12 của Thị xã Tam kỳ và một số học sinh ở các huyện lân cận. Trường có tổng diện tích khoảng 40.000 m2, gồm một khu nhà tầng ở chính diện với 14 phòng để giảng dạy và làm việc, một khu nhà cấp 4 với 8 phòng nằm vuông góc với khu nhà tầng, dành làm khu thí nghiệm thực hành và giảng dạy, và một khu nhà cấp 4 ở gần cổng ra vào với 3 phòng cho bộ phận văn phòng làm việc.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, trường được đổi tên thành trường cấp 1,2 Tam kỳ 2 và sau đó là PTCS Tam kỳ 2. Khuôn viên của trường được tách làm đôi, một nửa dùng làm sân bãi văn hoá của Thị xã, nay là Trung tâm Thanh Thiếu niên miền Trung.
Trường THCS Lý Tự Trọng Tam kỳ được chính thức thành lập theo quyết định số 71/ QĐ-UB của UBND Thị xã Tam kỳ ký ngày 01/8/1989 sau khi tách cấp II từ trường PTCS Lý Tự Trọng Thị xã Tam kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà nẵng. Học sinh của trường có thêm học sinh cấp II của trường PTCS Trần Quốc Toản chuyển về. Học sinh tiểu học của trường được chuyển về học tại trường PTCS Trần Quốc Toản lúc đó đã đổi thành trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
So với các trường cùng cấp trong địa bàn, THCS Lý Tự Trọng là trường có quy mô lớn được xây dựng sớm nhất, và được chọn là một trong những trường trọng điểm của Tỉnh Quảng Nam - Đà nẵng ( cũ ). Trường được đầu tư xây dựng về nhiều mặt và đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy và học tập, Trường có nhiều học sinh giỏi cấp Quốc gia, cấp tỉnh, nhiều giáo viên giỏi cấp Tỉnh, nhiều giấy khen, bằng khen các cấp.
Về công tác lãnh đạo nhà trường, ngoài những thầy giáo nguyên là Hiệu trưởng nhà trường đã nghỉ hưu như : Thầy giáo Đào Anh Văn, cô giáo Lê Thị Ngân, thầy giáo Lương Quế, thầy giáo Huỳnh Đức Tạo, hiện nay còn các thầy giáo sau khi rời cương vị Hiệu trưởng nhà trường vẫn đang công tác ở một số các cơ quan khác trong tỉnh hoặc thành phố như : Thầy giáo Huỳnh Bá Dương, thầy giáo Nguyến Muộn, thầy giáo Nguyễn Bá Hòa, thầy giáo Trần Ngọc Sơn, và hiện nay đương nhiệm là thầy giáo Võ Văn Dũng.
Qua nhiều lần chia tách và xây dựng bổ sung, tổng diện tích của trường hiện nay ( năm học 2008-2009) là 17999 m2, gồm 2 khu nhà tầng và 2 khu nhà cấp 4 với tổng số 35 phòng, trong đó 16 phòng học chính khoá, 8 phòng làm việc dành cho CBGVNV, còn lại là các phòng chức năng phục vụ hoạt động dạy và học, gồm 2 phòng dành cho Thư viện, 3 phòng dành cho khu Thí nghiệm thực hành, 1 phòng truyền thống, 2 phòng phục vụ giảng dạy bằng giáo án điện tử, các phòng còn lại dành cho bồi dưỡng, phụ đạo học sinh và dạy các môn học tự chọn.
Địa bàn tuyển sinh của trường trong những năm đầu tiên thành lập là phường An Xuân và một phần phường Phước Hoà. Từ năm học 2004-2005, trường thu nhận học sinh của cả 2 phường An Xuân và Phước Hoà. Trong suốt quá trình 19 năm từ ngày thành lập đến nay, trường THCS Lý Tự Trọng Tam kỳ là đơn vị có phong trào thi đua sôi nổi, hiệu quả và có nhiều đóng góp nhất định cho ngành giáo dục thành phố Tam kỳ và tỉnh Quảng Nam. Trong nhiều năm liên tục, trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc cấp Tỉnh, được UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng lá cờ đầu bậc học THCS của tỉnh Quảng Nam năm học 2003-2004, nhiều năm được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT và được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen năm 2006. Liên đội TNTP nhà trường đã nhận cờ thi đua xuất sắc 3 năm liền của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Công đoàn đã nhận cờ thi đua xuất sắc của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Vào năm 2003- 2004, trường là đơn vị THCS đầu tiên của Thị xã Tam kỳ đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001 - 2010. Thư viện nhà trường là thư viện đầu tiên của Tỉnh đạt chuẩn theo QĐ 01 của Bộ GD&ĐT, đồng thời đã đạt các danh hiệu Thư viện tiên tiến, thư viện tiên tiến xuất sắc.
Năm học 2006-2007, trường được Chủ Tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba
DANH SÁCH BAN GIÁM HIỆU QUA CÁC THỜI KỲ : ( TỪ SAU 1975)
TT HIỆU TRƯỞNG - PHÓ HIỆU TRƯỞNG
HIỆU TRƯỞNG                                                                                                  HIỆU PHÓ
 B. Lê Thị Bình
Ô. Đào Anh Văn
Ô. Lê Anh Nhân
-B. Võ Thị Ngân
-Ô. Lương Quế
-Ô. Huỳnh Đức Tạo                                                                                 - Ô. Nguyễn Văn Anh
-Ô. Nguyễn Viết Thiệp
-Ô. Huỳnh Bá Dương                                                                               - Ô. Nguyễn Thu
-Ô. Lê Văn Ca
-Ô. Lê Chúc
-Ô. Nguyễn Muộn
-Ô. Nguyễn Bá Hoà
-Ô. Trần Ngọc Sơn
-Ô. Nguyễn Hữu Đắc                                                                              - Ông Võ Tân Đông
- Ông Võ Văn Dũng                                                                                - Bà Võ Thị Hoa Hồng
Từ năm học 2009 - 20010 đến nay: - Ông Nguyễn Bá Hảo

II.THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC:
1. Hoạt động dạy và học:
Trong nhiều năm liền, trường luôn là đơn vị có thành tích cao về phong trào dạy và học của Thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam. Trong địa bàn thành phố Tam Kỳ, trường thường xuyên dẫn đầu hầu hết các phong trào hoạt động như : giáo viên giỏi và học sinh giỏi các cấp, phong trào TDTT, văn nghệ, kể chuyện theo sách, vẽ tranh theo sách, tin học trẻ không chuyên, phong trào làm và sử dụng ĐDDH, ứng dụng công nghệ thông tin, viết và áp dụng SKKN…Số học sinh tốt nghiệp THCS và trúng tuyển vào lớp 10 trường công lập và trường chuyên trong và ngoài tỉnh luôn đạt ở vị trí cao nhất nhì thành phố. Đặc biệt, trường luôn là đơn vị đại điện thành phố tham gia dự hội thi cấp khu vực, cấp Quốc gia, và luôn đạt giải cao trong những lần tham gia dự thi.
2. Xây dựng cơ sở vật chất :
Trong năm năm học qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, nhà trường thường xuyên tu sửa, nâng cấp các công trình phục vụ dạy và học cũng như chỉnh trang môi trường sư phạm. Năm 2003-2004, là trường THCS đầu tiên của Thị xã Tam kỳ đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001-2010. Cơ sở vật chất nhà trường ngày càng được xây dựng bổ sung khang trang, sạch đẹp, đảm bảo khá tốt các yêu cầu dạy học và rèn luyện thân thể cho học sinh. Trường có sân chơi rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát; khu vệ sinh riêng biệt, bãi tập với diện tích khoảng 4000m2 đảm bảo các điều kiện học tập các môn thể dục nội khóa và tổ chức các hoạt động thể thao học đường như cầu lông, bóng chuyền, bóng đá, điền kinh...Hệ thống nước lọc bằng tia cực tím xây dựng từ năm 2003 đảm bảo chất lượng phục vụ nước uống cho giáo viên và học sinh. Tất cả các phòng học và làm việc đều được trang bị bàn ghế chất lượng cao, rèm che, quạt mát, bảng chống chói...Hội trường khang trang với sức chứa khoảng 250 ngưòi . Riêng các phòng làm việc và phòng học tin học đều được cung cấp đầy đủ máy tính nối mạng Internet để GV và HS truy cập thông tin và ứng dụng vào việc giảng dạy, học tập. Đặc biệt, ngay từ năm học 2004-2005, khi ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam phát động phong trào ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nhà trường dã tiến hành xây dựng phòng học dành riêng cho giáo viên giảng dạy bằng giáo án điện tử. Hiện nay, trường đã có 2 máy Projector phục vụ cho hình thức giảng dạy hiện đại này. Với vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, trường đã được Sở GD&ĐT Quảng Nam giới thiệu để chương trình dự án SREM hỗ trợ thêm phương tiện Ứng dụng Công nghệ thông tin và công ty INTEL hỗ trợ xây dựng thêm một phòng học tin học trong thời gian sắp đến.
Có thể nói hiện nay, nhà trường là đơn vị THCS có qui mô và điều kiện phục vụ dạy học cũng như các hoạt động khác đầy đủ nhất so với các trường THCS trong địa bàn thành phố Tam kỳ và tỉnh Quảng Nam.
Năm học 2008-2009 này , trường được PGD&ĐT Tam kỳ giao nhiệm vụ là trường đi đầu trong khối THCS của thành phố hoàn thành các tiêu chí xây dựng " Trường học thân thiện, học sinh tích cực" theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Đây là tiền đề tốt đẹp cho công tác xây dựng một môi trường giáo dục có chất lượng cao của địa phương.
3. Hiệu quả giáo dục :
Hiệu quả đạt được lớn nhất của nhà trường chính là chất lượng thực tiễn tạo ra cho những thế hệ học sinh, từ công tác giảng dạy và giáo dục của tập thể sư phạm nhà trường. Các thầy cô giáo đã vun đắp cho học sinh của mình một nền móng vững chắc về phẩm chất đạo đức, về năng lực trí tuệ để học sinh THCS Lý Tự Trọng Tam Kỳ luôn đạt đạt tỉ lệ cao nhất và thường xuyên giành vị trí thủ khoa trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập trong địa bàn. Và ở các trường THPT, các em luôn là những học sinh tiêu biểu xuất sắc được nhà trường giao nhiều trọng trách. Tất cả các giải Quốc gia, giải khu vực, giải Olympic, giải tỉnh... ở các trường này đều luôn có tên những học sinh cũ của nhà trường. Hiện nay nhiều học sinh cũ đã thành đạt và trở thành nhà tài trợ học bổng cho học sinh nghèo của nhà trường. Tiêu biểu nhất trong số học sinh này là em Đoàn Ngọc Trí Tín hiện đang là Giám đốc hành chính công ty Manulife Việt Nam đã từ 4 năm qua, mỗi năm tài trợ 10.000.000 đồng cho quỹ học bổng, các học sinh khác như em Hồ Phú Quốc hiện đang được cấp học bổng du học ở Mỹ, em Nguyễn Dương Quỳnh Anh đang được cấp học bổng du học ở Sin-ga-po, em Dương Quốc Tín hiện nay đang học lớp 9 của trường đã đạt 2 giải Quốc gia về phần mềm sáng tạo Tin học.
Những học sinh này là những hình ảnh tiêu biểu cho truyền thống dạy tốt-học tốt của nhà trường và cũng chính là những tấm gương để học sinh các thế hệ sau học tập và nối tiếp truyền thống tốt đẹp này.
4. Những biện pháp tổ chức có hiệu quả :
a/ Xây dựng khối đoàn kết trong tập thể sư phạm nhà trường:
Tập thể sư phạm mặc dù với số lượng đông nhất trong các trường THCS của Thành phố Tam kỳ nhưng luôn luôn là một tập thể đoàn kết, gắn bó, hết mình vì thành tích chung của nhà trường. Nhiều năm liền là một tập thể tiêu biểu được công nhận của ngành và Công đoàn các cấp.
b/ Thực hiện tốt công tác tham mưu :
Thành công nổi bật nhất trong công tác tham mưu của nhà trường là được ngành và các cấp chính quyền địa phương cho phép thực hiện mô hình xã hội hoá giáo dục dầu tiên của Tỉnh, huy động và thu hút được nhiều lực lượng xã hội tham gia xây dựng giáo dục.
c/ Thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống :
Là trường có nhiều mô hình giáo dục truyền thống tiêu biểu, từ truyền thống lịch sử đất nước đến truyền thống nhà trường, được nhiều trường trong thành phố đến tham quan và học tập. Trường đã xây dựng được phòng truyền thống, lưu trữ nhiều tư liệu giá trị về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của nhà trường từ ngày thành lập đến nay. Đặc biệt lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm đến việc giáo dục cho học sinh truyền thống nhân ái của dân tộc : “ Thương người như thể thương thân “.
d/ Phát huy sức mạnh tổng hợp trong và ngoài nhà trường:
Ngoài nội lực của đội ngũ CBGVHS, nhà trường còn có nhiều biện pháp kêu gọi được sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, huy động được sự đóng góp của các lực lượng xã hội khác, nhất là phụ huynh học sinh và các học sinh cũ của trường trong công tác khuyến học và xây dựng CSVC nhà trường. Đặc biệt, chương trình “ Học bổng Tiếp sức đến trường “ với kinh phí huy động được trong năm đầu tiên (2002-2003) là 7 triệu đồng, nay đã đạt đến 50 triệu đồng/năm. Đây là biện pháp có hiệu quả nhất trong việc chấm dứt tình trạng học sinh nghèo bỏ học giữa chừng và nâng cao chất lượng học tập cũng như rèn luyện hạnh kiểm của các em. Nhà trường sẽ cố gắng tiếp tục nâng mức học bổng này ngày càng cao hơn để đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện của học sinh nghèo trong nhà trường.
e/Tổ chức tốt phong trào thi đua:
Đây là điểm mạnh đặc thù của nhà trường trong nhiều năm qua, huy động được nhiều nỗ lực của CBGV và HS của trường, giúp cho thành tích năm sau luôn cao hơn năm trước. Tác động từ phong trào thi đua đã tạo cho mọi dối tượng học sinh của trường một động cơ và mục tiêu tốt đẹp trong học tập và rèn luyện : " Luôn nỗ lực để vượt qua chính mình ".
Đặc biệt, trong việc tổ chức thực hiện các cuộc vận đông do cấp trên phát động như hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, nhất là hoạt động từ thiện, trường luôn là đơn vị đi đầu về chất lượng và số lượng tham gia, mang lại hiệu quả tích cực trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lòng nhân ái cho học sinh. Ngoài ra, để tạo nên không khí vui mà học, trong những năm qua, trường đã tổ chức nhiều mô hình hoạt động hấp dẫn, sôi nổi, kích thích phong trào thi đua học tập cho học sinh như : Bảy sắc cầu vồng, HS 97, hành trình về tương lai, hành trình về thế kỷ 21, Câu lạc bộ điểm mười, tôi là đoàn viên, chương trình Học bổng Tiếp sức đến trường... Những hoạt động này đã tạo ra sân chơi thực sự bổ ích và hấp dẫn lôi cuốn được tất cả học sinh trong nhà trường tham gia hào hứng tham gia.
III. CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG TRONG GIAI ĐOẠN NĂM NĂM TỪ 2002 ĐẾN 2007 và TỪ NĂM HỌC 2007-2008 ĐẾN NAY :
Liên tục trong năm năm học từ 2002 đến 2007, chi bộ luôn đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh, trường đạt danh hiệu trường Tiên tiến xuất sắc, Công đoàn vững mạnh xuất sắc, Liên đội TNTP xuất sắc. Bên cạnh đó :
* Năm học 2002-2003 :
- Đạt 18 giải HSG cấp Tỉnh, 46 giải HSG cấp Thị xã, 15 SKKN được công nhận cấp Tỉnh, 14 CBGV đạt danh hiệu CSTĐ các cấp. Tập thể lao động xuất sắc. Tổ LĐXS: 4 tổ. CSTĐCS : 15.
- Trường được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen.
- Công đoàn được LĐLĐ tỉnh Quảng Nam tặng bằng khen.
* Năm học 2003-2004:
- Được Sở GD&ĐT Quảng Nam tặng giấy khen 10 năm thực hiện tốt cuộc vận động : “Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm”
- Bộ GD&ĐT tặng bằng khen .
- Trường được công nhận trường chuẩn Quốc Gia đầu tiên của Thành phố Tam kỳ giai đoạn 2001-2010. Thư viện đạt chuẩn 01 đầu tiên của Tỉnh Quảng Nam
- Trường được Tặng cờ và Bằng khen Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua các trường THCS của Ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam .
- Công đoàn được LĐLĐ tỉnh Quảng Nam tặng cờ thi đua xuất sắc nhất.
- Liên đội TNTPHCM nhận cờ chân dung BÁC về thành tích xuất sắc ba năm liền của Trung Ương Đoàn.
* Năm học 2004-2005:
- Dẫn đầu phong trào HSG thị xã Tam Kỳ với 15 giải cấp Tỉnh. Trong kỳ thi TNTHCS có 4 học sinh đạt điểm thủ khoa trong số 5 học sinh thủ khoa của toàn thị xã.
- Trường được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ về thành tích xuất sắc 3 năm liền từ 2002 đến 2005. Đặc biệt trường được HĐND Tỉnh kiểm tra và đánh giá là điển hình tiêu biểu trong công tác XHHGD của Tỉnh.
- Công đoàn nhận cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
- Sở Công an tặng giấy khen về phong trào Bảo vệ an ninh tổ quốc. Báo Thiếu niên Tiền phong tặng bằng khen về phong trào “ Đọc và làm theo báo Đội ”
* Năm học 2005-2006:
- Hoàn thành xuất sắc công tác PCGD trung học được UBND Thị xã chỉ đạo thực hiện điểm đề án PCGD THPT. Dẫn đầu phong trào HSG cấp tỉnh với 22 giải, cấp Thị xã với 121 giải. Nhất toàn đoàn hội thi ĐDDH, HKPĐ, Kể chuyện theo sách cấp thị xã, nhất cá nhân Kể chuyện theo sách cấp Tỉnh. Nhận bằng khen của TW Đoàn về phong trào “ Đọc và làm theo báo Đội ”.
- Công đoàn được nhận bằng khen của LĐLĐ Tỉnh Quảng Nam.
* Năm học 2006-2007:
- Là trường đi đầu trong toàn tỉnh thực hiện có qui mô và hiệu quả cuộc vận động “ Nói không với tiêu cực trong thi cử, với bệnh thành tích trong giáo dục”, được báo cáo điển hình trong thành phố và tỉnh.
- Dẫn đầu HSG cấp Tỉnh với 29 giải, cấp thành phố với 108 giải, nhất toàn đoàn HKPĐ cấp Thành phố, năm thứ 3 liên tiếp nhận lá cờ đầu về ĐDDH cấp Thành phố, nhất hội thi Kể chuyện theo sách, hội thi HKPĐ cấp Thành phố, thư viện đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc, cán bộ thư viện đạt giải nhất cấp Tỉnh, giải nhì cấp Quốc gia.
- Công đoàn được nhận bằng khen của LĐLĐ Tỉnh Quảng Nam.
- Trường vinh dự được Chủ Tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Trên đây là thành quả đạt được của thầy và trò nhà trường trong giai đoạn năm năm học từ 2002 đến 2007, là bước kế tục truyền thống tốt đẹp về phong trào dạy và học của nhà trường từ ngày thành lập, và cũng là cơ sở để đề nghị và vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân Chương Lao động hạng III vào cuối năm học 2006-2007.
Phát huy thành quả đã đạt được, trong năm học 2007-2008 vừa qua, thầy và trò nhà trường đã không ngừng phấn đấu và đạt được nhiều thành tích tốt đẹp khác. Đó là :
* Cấp thành phố:
- Nhất toàn đoàn nhiều năm liên tiếp phong trào học sinh giỏi các lớp 6, 7, 8, 9 với tổng số 137 giải. Nhất toàn đoàn HKPĐ lần thứ ba liên tiếp, nhất cá nhân hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhất toàn đoàn hội thi ứng dụng CNTT trong dạy học. Nhất toàn đoàn lần thứ tư liên tiếp trong hội thi ĐDDH. Dẫn đầu thành phố về phong trào viết và áp dụng SKKN với 32 SKKN được công nhận, trong đó 13 SKKN được xếp loại A..
* Cấp Tỉnh :
- Dẫn đầu phong trào HSG cấp Tỉnh với 19 giải các môn văn hoá và 9 giải các bộ môn khác. Dẫn đầu phong trào viết SKKN cấp tỉnh khối THCS với 5 SKKN được công nhận, trong đó 3 SKKN xếp loại B, 2 SKKN xếp loại C.
* Cấp khu vực và Quốc gia :
- Đạt 2 giải cá nhân cấp Quốc gia về phần mềm Tin học sáng tạo, 7 giải cấp khu vực các Tỉnh Miền Trung Tây Nguyên trong Hội Trại sáng tác văn học nghệ thuật hè 2008 trong tổng số 30 giải của Hội thi.
Ngoài ra, một số hoạt động khác và kết quả thi đua của năm học 2008-2009 vừa qua đang chờ Hội đồng thi đua cấp trên xét duyệt.
Tóm lại, trong suốt quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, mặc dù trải qua nhiều lần chia tách, biến động nhưng đội ngũ CBGV nhà trường dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đã luôn sát cánh bên nhau, nỗ lực hết mình, làm việc với tinh thần " Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt học tốt" và với lương tâm nghề nghiệp " Tất cả vì học sinh thân yêu" để xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, luôn giữ vững vị trí dẫn đầu thành phố Tam Kỳ và là điểm sáng chất lượng của Tỉnh Quảng Nam.
Trong những năm học tiếp theo, nhà trường sẽ tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng toàn diện để giữ được niềm tin yêu của phụ huynh học sinh, của Lãnh đạo ngành và chính quyền các cấp, đồng thời chuẩn bị và hoàn thiện các điều kiện để đạt tiêu chí " Trường học thân thiện - Học sinh tích cực", làm tiền đề tốt đẹp cho mục tiêu " Chuẩn Quốc gia giai đoạn II" trong thời gian sắp đến.
Những thành quả tốt đẹp trên đây là kết tinh từ sự nỗ lực không mệt mỏi của thầy trò nhà trường, là sự hỗ trợ nhiệt thành từ các lực lượng xã hội, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo địa phương và ngành giáo dục đào tạo thành phố Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam.