photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

GIỚI THIỆU SÁCH: NGƯỜI BẠN LÍNH

NGƯỜI BẠN LÍNH
MỘT TÁC PHẨM HAY CỦA NGUYỄN QUANG SÁNG

     Là giáo viên bộ môn Ngữ văn, chúng tôi đã biết đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của ông - Một câu chuyện về tình cha con trong thời chiến thật cảm động. Đã không biết bao lần lên lớp dạy bài này nhưng lần nào trong tôi vẫn còn nguyên vẹn sự xúc động khi giảng đến phút chia tay của hai cha con ông Sáu. Cảnh chia tay mà làm người chứng kiến như anh Ba "cảm thấy khó thở như có ai sắp lấy tim mình"

       Chuẩn bị cho tiết thao giảng " Chiếc lượt ngà" sắp tới, tôi sang Thư viện tìm thêm ít tư liệu về tác giả và tình cờ bắt gặp "Người bạn lính" của ông. Một tập truyện cũng lấy bối cảnh thời chống Mỹ kể về một mối tình đẹp của hai chiến sĩ biệt động nội thành anh Nam Cứ và cô Tho. Họ làm chúng ta yêu mến và cảm phục bởi họ phóng khoáng, lạc quan, sôi nổi như phẩm chất đáng quý vốn có của người miền Nam. Chất Nam bộ ấy tràn ra từ cách sống và ngôn ngữ của những nhân vật dù đang đối mặt với bao thử thách và hiểm nguy ngay trong lòng địch hay trên chiến trường.

        Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã rất thành công khi kể về một chuyện tình lãng mạn, nảy nở trong khói lửa chiến tranh giữa hai chiến sĩ hoạt động nội thành cùng nhau nhưng không biết mặt nhau. Bởi khi gặp nhau cả hai đều phải trùm khăn kín cả mặt, chỉ chừa đôi mắt như mọi cán bộ đang hoạt động bí mật khác. Chàng trai Nam Cứ dũng cảm, gan góc đưa được hàng trăm ki lô gam thuốc nổ vào sào huyệt Mỹ và tiêu diệt không biết bao nhiêu kẻ thù nhưng lại rụt rè, vụng về khi tỏ tình với cô gái anh yêu. Bức thư anh viết như lời tác giả nhận xét là ảnh hưởng văn chương cải lương " Tuy không thấy mặt nhau nhưng tôi yêu cuộc đời ngang trái và đau khổ của nàng - tôi yêu nàng đến cháy cả tim gan. Cả hai chúng tôi bây giờ tâm hồn đã hòa quyện vào nhau như một nhưng chúng tôi không thể vô nguyên tắc vén màn bí mật để thấy nhau. Xin Ban chỉ huy cho chúng tôi được nhìn thấy nhau để lúc hi sanh khỏi ân hận".

         Cuộc đời ngang trái và đau khổ của cô Tho- cô gái đã phải lấy cái áo của thằng hình rơm để mặc vì chiếc áo của cô đã ngắn lại rách nát không đủ che thân cho một cô gái đang độ tuổi dậy thì được kể trong chương "Cái áo thằng hình rơm" và do vậy có sức cuốn hút ta đến cuối truyện.

         Trái tim người lính thật đáng trân trọng và khâm phục. Họ yêu nhau mãnh liệt đến thế nhưng họ đã đặt tình yêu nước lên trên tất cả để hoàn thành sứ mệnh của người lính cụ Hồ. Và hương vị tình yêu người lính đã thắp thêm ngọn lửa để nung nóng ý chí chiến đấu và chiến thắng. Lật từng trang sách qua từng chi tiết của chương "Câu chuyện bên trận địa pháo", "Nhớ anh trên bước đường về" hay " Người con đi xa"... ta thấy được một cách tổng quát về hình ảnh hững người lính năm xưa đã không tiếc máu xương, họ tự hào và sẵn sàng xả thân để bảo vệ Tổ quốc.

         Ngày 22/12 sắp đến, đọc " Người bạn lính" của Nguyễn Quang Sáng là một tác phẩm gồm sáu chương kể về anh hùng chiến đấu thời chống Mỹ năm xưa rất dũng cảm, kiên cường nhưng điều làm ta cảm mến và khâm phục về anh lại từ tính cách giản dị và chuyện tình, chuyện kiếm vợ đặc biệt của anh. Tôi không dám làm công việc đánh giá nhưng tôi tin rằng cũng như tôi khi đọc " Người bạn lính" các bạn sẽ yêu mến tác giả Nguyễn Quang Sáng nhiều hơn, hiểu sâu hơn về văn phong của ông và sẽ lên lớp với " Chiếc lược ngà" đầy cảm hứng hơn.

Thanh Liên- LTT