photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

PHÁT THANH: CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

Thứ Bảy, ngày 7 tháng 11 năm 2009


TUẦN THỨ : 16

Kính thưa quý thầy cô giáo cùng tất cả các em học sinh thân mến!
     Như chúng ta đã biết "xương thủy tinh" là một trong những căn bệnh hiểm nghèo chưa có thuốc đặc trị. Nếu không may có một ai đó bị mắc căn bệnh hiểm nghèo này thì mọi ước mơ khó có thể thực hiện được, bởi tất cả phần xương trong cơ thể rất dễ vở, chỉ cần một va chạm nhỏ là sẽ gay tay, gãy chân, cổ...nó đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt đời sống hằng ngày. Thế nhưng, đã có những tấm gương của ý chí và nghị lực vượt lên chính mình từ những căn bệnh bẩm sinh này mà chúng ta đã được biết nhiều qua báo chí.

     Và trong chương trình câu chuyện cuối tuần hôm nay, một lần nữa mời quý thầy cô cùng tất cả các em lắng nghe để cùng biết và chia sẻ với một tấm gương nghị lực của một em học sinh lớp 9 qua câu chuyện " Ánh sáng xương thủy tinh" . Và sau đây là nội dung câu chuyện được trích và biên tập từ báo Dân trí 08/2009.
Ánh sáng “xương thủy tinh”
      Bị căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, đến nay đã 30 lần đôi chân và đôi tay của em bị gãy. Em đã gặp muôn vàn khó khăn trong cuộc sống đời thường, nhưng 8 năm liền em luôn đạt học sinh xuất sắc. Đó là em Nguyễn Thị Kiên Giang (16 tuổi, học sinh lớp 9/1, Trường THCS thị trấn Khe Tre, Nam Đông, Thừa Thiên - Huế).

      Sinh ra không được may mắn như bao người bình thường khác do bị căn bệnh quái ác xương thủy tinh bẩm sinh, tưởng rằng cuộc sống sẽ chấm hết từ lúc chào đời nhưng nhờ sự chăm sóc của ba mẹ, nay em đã khôn lớn. Điều đặc biệt ở cô bé xương thủy tinh là học rất giỏi.

     Quãng đường đến trường THCS 2km là may mắn với ít em học sinh vùng cao huyện Nam Đông nhưng với Giang đó là một thử thách lớn. Từ khi học lớp 1 cho đến lớp 5, đường đến trường của em gấp hai lần so bây giờ ở THCS nhưng vì niềm đam mê được học của con, chị Từ Thị Minh (mẹ Giang) ngày nào cũng cõng em trên lưng đến trường...

     Trong suốt 5 năm học, mỗi ngày Giang đến trường, bất kể mưa gió, lạnh giá, hằng ngày, Giang được ba mẹ, bạn bè cõng đến trường. Cuối năm lớp 3, Giang bị gãy cả tay lẫn chân và nghỉ học để vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Bệnh tật làm cho em đau nhưng nỗi đau lớn nhất đối với em là xa trường, xa lớp, sách vở.

     Sau mấy tháng trời chân tay đều bó bột, vợ chồng chị Minh đưa con về nhà điều trị, thấy con mình như vậy, hai vợ chồng bàn nhau cho con nghỉ học, khi nghe tin dù đang vật lộn cơn đau bệnh tật nhưng Giang liền nói: “Ba mẹ ơi! Con mà không được đi học thì cuộc sống của con giống như thực vật. Dù đau đến mấy thì cũng cho con đi học, vì sau này khoa học phát triển, bệnh của con chữa được thì con lại là kẻ mù chữ mất”.

     Mỗi ngày Giang đến trường là nước mắt của vợ chồng chị Minh lại tuôn trào, không cho đi học thì không được, còn đi học thì gãy tay, chân lúc nào không hay. Sau một thời gian nghỉ học khá lâu chữa bệnh, Giang trở lại trường, trong lúc bạn đã học được một thời gian dài. Kiến thức không có, vậy mà, cô bé xương thủy tinh tự học để theo kịp bạn bè và phát huy được thành tích là cuối năm đạt học sinh xuất sắc.

Người cha tận tụy nhiều năm ròng cõng con đến trường
       Ở trong lớp, năm nào cũng dẫn đầu về năng lực học tập. Khi học lớp 3, Giang được UBND huyện dành tặng cho học sinh xuất sắc, sang lớp 4, vừa đi học lại nhưng Giang là một trong 5 học sinh giỏi được nhận học bổng Sao Mai (học bổng dành cho học sinh giỏi). Liên tục trong hai năm lớp 4 và 5, em đạt giải nhất các kỳ thi viết chữ đẹp…

       Bước vào cấp hai, Giang vào học lớp chọn của Trường THCS thị trấn Khe Tre. Trong tất cả các môn học thì Giang học giỏi nhất là môn văn. Nhiều bài văn của em được đọc trước toàn trường. Giang bày tỏ: Đến nay em vẫn duy trì được thành tích của mình nhưng em suy nghĩ rồi, em sẽ cố gắng học thật giỏi môn Anh văn, vì thấy ngoại ngữ giờ rất cần trong khi các bạn của em cũng như nhiều nơi thấy học môn này yếu lắm. Em sẽ cố gắng học thật giỏi và sau nay thi vào một trường đại học ngoại ngữ. Sau khi ra trường xin vào trung tâm nuôi dạy trẻ em tật nguyền để em dạy cho các em có cùng cảnh ngộ. Ngoài ra em có thể phiên dịch cho những đoàn nước ngoài đến thăm các trung tâm trẻ em tật nguyền để hiểu về những con người không được máy mắn như bọn em. Đó là những gì mà em tâm sự.
Không biết nói gì hơn, chúng ta hãy cùng chúc cho Giang sức khỏe, chúc cho ước mơ và nghị lực của em sẽ thành hiện.

     Câu chuyện cuối tuần xin dừng lại tại đây. Cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của quý thầy cô cùng tất cả các em. Xin chào và hẹn gặp lại.

             Biên tập và phát thanh Trịnh Thị Thủy