photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2010

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH "CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN"

   ______

Thứ 7, ngày 10 tháng 3 năm 2012. Tuần: 27


          Kính thưa Quý thầy cô cùng tất cả các em học sinh thân mến!
Đâu đây, không khí 8/3 đã tràn ngập khắp trường học, ai ai cũng tranh thủ thời điểm này để làm việc tốt, dành thật nhiều hoa điểm 10 để dành tặng những người mẹ, người cô kính yêu của mình. Và ngày 8/3 cũng không chỉ dành riêng cho những người mẹ, người cô, những người phụ nữ xung quanh chúng ta mà ở đâu đó trong các gia đình thiếu vắng tình thương của một người mẹ, lúc đó họ cần một tình thương của người cha, và hôm nay Thư viện xin gửi đến quý thầy cô và các em học sinh câu chuyện “gà trống nuôi con”. Và đây cũng là chủ đề mà Thư viện muốn gởi đến Quý thầy cô và các bạn, sau đây là câu chuyện viết về một ông bố dạy con ăn học nên người trong lúc người mẹ đi xa được đăng trên Báo Dân Trí vào Chủ Nhật, 06/03/2011 - 06:29.

          Ngày 8/3 con xin gửi lời yêu thương tới… bố
Mới đọc qua dòng đầu của bài báo chắc mọi người không khỏi giật mình vì lẽ dĩ nhiên ai cũng biết ngày 8/3 chắc chắn là ngày Quốc tế phụ nữ, mà bố thì chắc chắn không phải là phụ nữ như...mẹ.
Nhưng nếu bạn chịu khó đọc hết câu chuyện có thật của tôi đây thì bạn mới hiểu những điều tôi nói là có thật…và cảm động.
Gia đình tôi quê gốc ở Nam Định. Bố mẹ sinh ra 3 chị em đều là con gái. Suốt ngày bố mẹ cần cù chăm chỉ làm ăn, hy vọng vào 6 sào ruộng, mấy con lợn để nuôi sống cả nhà và nuôi 3 chị em tôi ăn học.
Năm tháng dần qua, gánh nặng mưu sinh của bố mẹ cũng lớn dần khi bậc học của các con ngày càng cao. Khi chị cả tôi  bắt đầu vào lớp 12, tôi học lớp 11 và bé út học lớp 9 thì dường như mấy sào ruộng và đàn lợn đã không còn đủ cho số tiền ăn học cứ tăng thêm mỗi ngày. Bố mẹ lo lắm, nghĩ nhiều lắm, đến bạc cả đầu, làm sao có đủ sức để giúp con thực hiện ước mơ học hành. Nếu chỉ cho học đến hết cấp 3 rồi ở nhà lấy chồng như các bạn cùng trang lứa thì cũng tội lắm, rồi chúng sẽ chỉ biết đến mảnh ruộng, thửa vườn rồi cũng sẽ khổ…
Không có cách nào khác, mẹ bàn với bố cho mẹ đi xuất khẩu lao động để lấy tiền tiếp tục cho con ăn học…Ngày mẹ đi, chỉ có bố lặng lẽ đưa tiễn mẹ ra sân bay… Về sau bố có kể rằng lúc qua cửa làm thủ tục chuẩn bị lên máy bay có rất nhiều người phụ nữ vì không chịu nổi cảnh chia ly với chồng, con đã phải quay ngược trở lại. Nhưng mẹ không quay lại, mẹ nhắm chặt mắt bước đi… xiêu vẹo, xiêu vẹo…
Những bông hoa khoe sắc trong ngày 8-3. (Ảnh: Việt Hưng)
Mẹ đi rồi, 3 chị em thơ thẩn, bố cũng lặng lẽ… Hàng ngày bố vẫn đi làm thợ nề, đến trưa được nghỉ là vội vàng về nhà lo nấu cơm cho các con ăn sợ con đi học về muộn lại bị đói. Bữa ăn đạm bạc lúc nào cũng chỉ có vài ngọn rau luộc chấm muối vì bao nhiêu tiền dành dụm đều lo cho mẹ đi cả rồi. Đêm về bố lại lặng lẽ làm giấy tờ sổ sách theo đúng trách nhiệm của ông trưởng xóm.
Một năm sau ngày mẹ đi, chị cả tôi đậu Đại học, bố vừa mừng vừa lo… Dẫn chị lên Đà Lạt nhập học, bố tỉ mỉ mua đủ đồ đạc cho con rồi lại lật đật về quê, không dám nhìn nước mắt chị cả rơi lã chã vì thương bố, thương em… Nhà lại thêm vắng ngắt đây… Bố về nhà tiếp tục chắt chiu từng số tiền ít ỏi được đánh đổi bằng những giờ ở trên giàn giáo - những cái giáo cao ngất chỉ cần sểnh một chút là nguy hiểm đến cả tính mạng…
Tối nào đi làm về bố cũng hỏi qua chuyện học hành của 2 đứa tôi rồi lại động viên, dặn dò cố gắng. Nhớ hôm em Tuyết bị sốt siêu vi rút nằm đó, bố nghỉ làm cả tuần lo từng viên thuốc, từng bát cháo. Khi em Tuyết khỏi thì bố cũng gầy gò hốc hác ai nhìn cũng thương, chẳng khác gì cảnh gà trống nuôi con.
Năm sau, tôi đậu đại học với số điểm rất cao. Trước ngày nhập học, bố dặn dò tôi tỉ mỉ y như đứa bé sắp vào học lớp 1. Rồi 2 bố con lên đường vào Huế. Bố cũng mua sắm đủ đồ cho tôi không thiếu 1 cái tăm rồi sau đó lại lặng lẽ ra về… Thương bố nên  hè nào tôi cũng về nhà thật sớm và đi thật muộn…Về nhà, lúc nào tôi cũng nghe người trong xóm khen bố là số 1, không biết gì đến rượu chè, trai gái… một  tay lo việc gia đình, nội ngoại, ma chay cưới hỏi, rồi lại việc làng việc xóm…chẳng mấy lúc thấy bố có thời gian ngơi nghỉ.
Hai năm sau em Tuyết nhà tôi cũng đậu vào vào một trường Đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Ngày bố dẫn em đi tôi mới ngã ngửa người vì bất ngờ. Thì ra bấy nhiêu năm mẹ đi làm ở nơi đất khách, bố đã làm việc quần quật, chi tiêu tằn tiện để nuôi 3 chị em mà không dùng tiền của mẹ. Số tiền đó bố để riêng và khi nhập học cho em xong, bố xuống Đồng Nai mua đất, xây nhà và định cư ở đó, vừa buôn bán vừa để gần con.
Mỗi lần hè về, Tết đến, bố vui lắm! Lúc chúng tôi đi bố lại dặn dò các con đủ điều và lại chở các con ra bến xe mỗi đứa mỗi nẻo. Bộ quần áo bố đã bạc phếch, bố chẳng bao giờ dám tiêu pha gì nhiều, chỉ để dành cho các con hết.
Thời gian trôi nhanh quá, đã 6 năm rồi mẹ cũng trở về nhà… Mẹ về nhìn bố, nhìn các con mà chỉ biết ứa nước mắt. Công khó của bố mẹ đã được đền bù. Chị cả tôi ra trường rồi ở lại Đà Lạt công tác. Tôi thì đang học tiếp chương trình cao học, em Tuyết đang học năm thứ 3 đại học.
Trong bữa cơm đoàn tụ, mẹ nói qua làn nước mắt vì xúc động: “Bao năm qua bố thay mẹ làm hết mọi việc ở nhà, bố vừa đi làm, vừa nuôi dạy các con thành người, chăm sóc ông bà nội ngoại, gánh vác mọi trách nhiệm với gia đình xã hôi. Một phần nào đó, bố đã làm thật tốt công việc của một người mẹ. Mẹ đi xa không có điều kiện, công bố lớn lắm các con ạ…”. Lúc này nhìn lên, thấy 2 mắt bố đỏ hoe, bố cười… đã bao năm rồi mới thấy khuôn mặt bố giãn ra thanh thản đến thế!
Một mùa 8/3 lại đến rồi… Tôi mỉm cười và tự nhủ năm nay sẽ tặng cho mẹ một món quà thật lớn bù lại sau bao nhiêu năm khó nhọc vì xa nhà mà mẹ không có được. Và sẽ không quên gửi tới bố những lời yêu thương chân thành nhất. Người bố có tấm lòng bao dung nhân hậu, chăm sóc con cái chu đáo… chẳng khác gì bất cứ một bà Mẹ nào trên mảnh đất Việt Nam anh hùng này.
Kính thưa quý thầy cô và các bạn!
Và bây giờ chúng ta chắc cũng đã hiểu thấu được nỗi lòng của người làm cha làm mẹ. Dù ngày 8/3 đã đi qua nhưng âm hưởng của nó vẫn còn mãi trong lòng mỗi chúng ta. Chính vì thế Thư viện xin gởi đến các bậc làm cha, mẹ nhất là tấm lòng bao la của người mẹ một lời chúc: Chúc những người phụ nữ thật nhiều hạnh phúc bên gia đình và người thân.

Sưu tầm, Biên tập và Phát thanh. CB Thư viện: Ngô Lê Sơn Hà._________________________________________________________
    Chương trình phát thanh "Câu chuyện cuối tuần" xin kính chào quý thầy cô giáo cùng tất cả các em học sinh thân mến! Hôm nay, thứ Bảy ngày 27 tháng 2 năm 2010, Thư viện xin trích tặng quý thầy cô cùng tất cả các em câu chuyện về một kỷ niệm đẹp của tình thầy trò được đăng trên Báo Quảng Nam, ra ngày 13 tháng 12 năm 2008. Câu chuyện với tựa đề:
Kỷ niệm khó quên
         Chúng ta hãy cùng lắng nghe nhé!
       Đã 3 năm trôi qua, kể từ những ngày đầu tiên được đứng trên bục giảng, hình ảnh về em trong tôi vẫn mãi không mờ.    Ngày ấy, tôi mang khát vọng cống hiến hết lòng của một thầy giáo trẻ, nâng niu chỉ bảo các em từng nét chữ, lời văn.

       Tiết học đầu tiên, tôi cho các em làm kiểm tra. Đến hôm trả bài, cả lớp yên lặng, ngạc nhiên vì bài viết nào cũng được tôi chỉnh sửa, đỏ trang! Trong số đó có một bài tôi phê bình khá nặng: “Chữ viết quá cẩu thả, thiếu tôn trọng giáo viên”… Đến lúc gọi em lên để nhận lại bài, tôi hết sức ngỡ ngàng khi nhìn thấy đôi bàn tay em nhỏ xíu, co rúm, nhăn nheo.

       Em bị liệt từ nhỏ. Những lúc trở trời bàn tay em bần bật run lên như cành lan trước gió, có khi không cử động được. Việc rèn luyện để viết từ con chữ đối với em là cả một quá trình phấn đấu, kỳ công. Tôi ân hận, càng tự oán trách mình hơn về sự lặng thinh bất thần thay cho lời xin lỗi.

       Ngày vào đại học, em đến tặng tôi một lẵng hoa hồng, kèm theo cánh thiệp với nét chữ cẩn trọng: “Cảm ơn thầy! Nhờ những lời phê bình của thầy mà chữ viết của em bây giờ rõ nét hơn xưa…”.

       Tôi vô cùng xúc động. Em đã dạy tôi bài học đầu tiên khi làm nghề nhà giáo. Người thầy không chỉ cần trang bị kiến thức vững vàng, mà còn cần có nhân cách cao thượng, biết đối nhân xử thế. Tôi phải hiểu các em, gần gũi và chia sẻ trước khi truyền dạy các em tri thức của mình.

       Nhìn em, lòng rạng ngời hạnh phúc. Niềm hạnh phúc chỉ những ai từng làm thầy mới hiểu.
VÕ NHƯ NGỌC
Sưu tầm và phát thanh : Trịnh Thị Thủy