photo 23912_10151132988682725_816652924_n-4.jpg

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

KỈ NIỆM 40 NĂM THỰC HIỆN DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH: BẢN DI CHÚC MANG TẦM THỜI ĐẠI



"Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.


Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.


Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".

Đó là những lời cuối cùng trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. 40 năm trước, ngày 2/9/1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, Bác Hồ đã ra đi để "gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin". Đó là nỗi mất mát lớn lao không gì bù đắp được. Vượt lên nỗi đau thương, toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu để giành độc lập hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước như mong muốn của Người.

Bản Di chúc mang tầm thời đại

Hồ Chủ tịch đặt bút viết bản Di chúc ngày 10/5/1965, khi đó Người đã bước sang tuổi 75, vào tuổi "xưa nay hiếm", nói như nhà thơ Đỗ Phủ (đời Đường - Trung Quốc). Trong 3 năm sau đó, cứ từ mồng 10/5 đến 20/5, hàng ngày Người chọn giờ đẹp nhất (tức là 9 giờ sáng) để chỉnh sửa bản Di chúc - tài liệu đặc biệt bí mật, như cách Người gọi.

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới truyền thống đoàn kết của Đảng, về thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, về việc giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, về sự đoàn kết của Đảng với phong trào cộng sản thế giới. Người chú trọng vai trò của thế hệ trẻ, lớp người kế tục sự nghiệp của dân tộc và việc cần thiết bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đối với nhân dân lao động, Người căn dặn "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".

Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm nhấn mạnh: "Trong bản Di chúc, Bác đề cập nhiều vấn đề, trong đó luôn luôn nhấn mạnh đạo đức và lòng trung thành của người cán bộ. Mục tiêu tối cao hướng tới là phục vụ nhân dân vô điều kiện, tất cả là đặt quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc lên trên, còn quyền lợi của mình sẽ nằm trong quyền lợi của nhân dân, của dân tộc. Một khi quyền lợi của toàn thể dân tộc, nhân dân có thì sẽ có quyền lợi của dân tộc mình, chứ không nên suy bì gì. Người cán bộ là phải đề cao đức tính hy sinh của mình".

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng, tầm chiến lược to lớn và có ý nghĩa thời đại sâu sắc. "Tinh thần của Di chúc xuyên suốt 40 năm và còn đi theo chúng ta nhiều năm nữa. Đó là mục tiêu phấn đấu để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, sánh vai với các nước khác trên thế giới này. Và công việc đó là công việc một đời người không làm được, hai đời người không làm được mà có thể nhiều đời, toàn Đảng, toàn dân có thể làm được. Đó là tầm nhìn hết sức lớn và tôi cho rằng ý nghĩa thời đại chính là ở chỗ đó, một tầm nhìn xuyên thế kỷ" - PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích.

Đồng lòng, đồng sức học tập và làm theo gương Bác

Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Di chúc là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực đạt nhiều thành tựu to lớn trong bảo vệ và xây dựng đất nước. 40 năm qua, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho trọng trách giữ gìn lâu dài di sản văn hoá của Người, đồng thời để phát huy thật tốt những giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm, trình bày tư liệu, hiện vật.

Ông Bùi Kim Hồng, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch nêu rõ: "40 năm nay, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu và khai thác những tài liệu hiện vật gắn liền với cuộc sống đời thường của Bác; những tài liệu hiện vật rất gần gũi, bộ quần áo, đôi dép, đồ dùng hàng ngày rồi đến bữa ăn của Người, đều toát lên một đức tính Cần-Kiệm-Liêm-Chính vì mọi người. Ngay tại nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc trong 15 năm, thể hiện một cách đầy đủ nhất, sinh động nhất và như các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhấn mạnh "Đây là một trường học lớn". Chúng tôi lấy đây là trọng tâm để góp công, góp sức vào việc nghiên cứu giới thiệu thật đầy đủ về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cũng như đối với bầu bạn quốc tế".

Hai năm qua, hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cả nước dấy lên phong trào học tập và đặc biệt là làm theo tấm gương đạo đức của Người. Những việc làm đó góp sức làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta coi trọng đạo đức Hồ Chí Minh bởi vì trước hết Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương rất trong sáng về đạo đức. Người là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, đạo đức của dân tộc. Cho nên chúng tôi cho rằng chúng ta phải tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn và học tập quán triệt tư tưởng đạo đức của Bác, đặc biệt làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong bản Di chúc bất hủ của Người sẽ là mục tiêu lớn lao trên chặng đường dài mà đất nước Việt Nam đang và sẽ đi để khẳng định tầm vóc Việt Nam./.


Theo Chinhphu.vn